Thử nghiệm trên mô hình buồng lái giả định cho thấy “đường bay vàng” chỉ rút ngắn được 5 phút bay, tiết kiệm được khoảng 190 kg nhiên liệu, tương đương 190 USD song chi phí quá cảnh Lào và Campuchia hiện là 637 USD/chuyến bay.
Cục Hàng không Việt Nam ngày 4/9 đã chốt lại báo cáo kết quả bay thực nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM sử dụng không phận Lào và Campuchia, tương đồng với đề xuất “đường bay vàng” theo cách bay kéo thẳng kinh tuyến 1060 Đông từ Hà Nội đi Tp.HCM của cựu phi công quân đội Mai Trọng Tuấn.
Thử nghiệm nhiều phương án
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, cho biết trong các ngày 30/8 và 1/9, 2 hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và VietJet (VJA) đã thực hiện bay thử nghiệm trên SIM Boeing777, Airbus 321 (A321), A320 tại cơ sở huấn luyện bay trong nước và thuê SIM ở Singapore, Thái Lan.
Chuyến bay thử nghiệm ngày 4-9 được thực hiện trên buồng lái giả định của loại máy bay A321 Ảnh: Minh Nghĩa |
Tuy nhiên, các kết quả này không được xem xét báo cáo vì “đầu bài” không yêu cầu thực hiện theo phương án bay tối ưu. Cụ thể là vẫn tính đến yếu tố cơ quan không lưu Lào yêu cầu bay ở độ cao FL 240 - FL 280 (tương đương 7.300 - 8.500 m) để không gây quá tải cho công tác điều hành không lưu của bạn. Đồng thời, phải tránh các khu vực hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý.
Cục Hàng không Việt Nam nhận thức chỉ khi các chuyến bay thử nghiệm được thực hiện theo đường bay thẳng, phương án bay tối ưu, mực bay tối ưu phù hợp với loại máy bay khai thác mới có thể cho ra kết quả bay nhanh nhất, từ đó tính toán xem có đem lại lợi ích chi phí đủ lớn hay không.
Vì thế, ngày 4/9, cục yêu cầu VNA bay thử nghiệm lần cuối cùng với SIM A321 theo phương án bay tối ưu để làm cơ sở tính toán lợi ích kinh tế của đường bay thẳng. Các phi công trực tiếp bay thử nghiệm gọi đây là cách bay “san bằng tất cả” để xem có thể rút ngắn thời gian được bao nhiêu.
Theo kế hoạch, tổ lái đã thực hiện 2 chuyến bay chặng Hà Nội - TP HCM. Mỗi chuyến chở theo 10 tấn hàng, tương đương 150 hành khách. Các thông số về trọng tải, tốc độ, nạp nhiên liệu, sức gió… như nhau. Riêng đường bay thực hiện khác nhau, một chuyến theo đường bay mới: bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM sử dụng không phận Lào và Campuchia.
Phi công được khai thác trong điều kiện tối ưu về mực bay. Cụ thể là bỏ qua các “rào cản” như mực bay thấp tại không phận Lào cũng như các khu vực hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý. Chuyến bay còn lại bay theo đường bay hiện tại như điều kiện khai thác bình thường.
Kết quả cho thấy bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia có độ dài 643 dặm, tương đương 1.191 km, thời gian 1 giờ 43 phút, mức tiêu hao nhiên liệu 4.140 kg. Còn bay theo đường hàng không hiện hữu có độ dài 689 dặm, tương đương 1.276 km, thời gian 1 giờ 48 phút, mức tiêu hao nhiên liệu 4.330 kg. Như vậy, “đường bay vàng” chỉ rút ngắn được 5 phút bay.
Tiết kiệm không bằng chi phí tăng thêm
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Trọng Tuấn cho rằng việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng xin phép Thủ tướng Chính phủ cho bay thử cho thấy quyết tâm rút ngắn đường bay để giảm thời gian, chi phí khai thác cho các hãng hàng không và hành khách.
Cựu phi công này cũng nhận xét nếu bay thực nghiệm cho thấy đường bay ngắn hơn, tiết kiệm thời gian bay và nhiên liệu nhưng tiền phí quá cảnh nhiều hơn thì cần giải quyết ở cấp độ nhà nước để có thể giảm chi phí. Trường hợp số tiền tiết kiệm nhiên liệu bằng với chi phí quá cảnh (hòa vốn) cũng là tốt. Vì ngoài nhiên liệu, hao mòn máy móc thì còn tiết kiệm được thời gian, sức khỏe cho hành khách.
Trước đó, khi được đề nghị tham gia bay thử nghiệm đường bay thẳng ngày 4-9, ông Mai Trọng Tuấn đã từ chối tham gia với lý do “tin tưởng vào sự chính xác của bay SIM”. Theo tính toán trước đó, vị cựu phi công này cho rằng bay kéo thẳng kinh tuyến 1060 Đông từ Hà Nội đi TP HCM có thể rút ngắn được quãng đường 110 km, cứ bay 9 chuyến sẽ lãi ra 1 chuyến, nếu xuất phát từ sân bay Gia Lâm.
Sau khi có kết quả bay thử nghiệm, Cục HKVN chưa tính toán chi tiết số tiền tiết kiệm được do rút ngắn 5 phút bay là bao nhiêu. Song, theo cách tính của một chuyên gia trong ngành, với giá tạm tính nhiên liệu bay Jet A1 là 1.000 USD/tấn (giá nhiên liệu không cố định) thì số tiền tiết kiệm được chỉ khoảng 190 USD. Trong khi đó, chi phí quá cảnh qua Lào và Campuchia hiện nay là 637 USD/ chuyến bay A321. Như vậy, “đường bay vàng” không mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo Người lao động
0 comments:
Post a Comment