Ngủ ngáy ẩn chứa nhiều nguy cơ

Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch VN, với một số người béo phì, trong lúc ngủ  thường ngáy rất to nhất là có những cơn ngưng thở khi ngủ thì đấy là những trường hợp bệnh lý khá nguy hiểm.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, sẵn sàng giao lưu cùng độc giả
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, sẵn sàng giao lưu cùng độc giả
- Tôi bị bệnh tăng huyết áp và mỡ máu là bệnh mãn tính phải uống thuốc suốt đời .
Xin GS vui lòng cho tôi hỏi là uống thuốc với thời gian trường kỳ như vậy, làm thế nào để phòng tránh tác dụng phụ của thuốc tân dược? Xin cảm ơn!
  (Chu Kim Thanh, 65 tuổi, quận 3 Tp HCM)

- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Tăng huyết áp và rối loạn lipid máu đều là yếu tố nguy cơ quan trọng với các bệnh tim mạch. Vì vậy, việc điều trị thuốc là cần thiết để điều chỉnh các yếu tố nguy cơ đó. Nhưng thuốc nào cũng có một số tác dụng phụ nhất định. Để hạn chế những tác dụng phụ đó, thường thầy thuốc sẽ lựa chọn loại thuốc và liều lượng thuốc tối thiểu, nhưng có hiệu quả đối với người bệnh. Người ta cũng có thể phối hợp thuốc để tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ. Ví dụ khi sử dụng nhóm thuốc chẹn kênh canxi thì có thể bệnh nhân bị phù chân nhưng khi phối hợp thêm với nhóm thuốc ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể Angiotensin thì có thể làm giản bớt tác dụng phụ gây phù chân. 
- Xin Giáo sư cho biết nhịp tim chậm là gì, có nguy hiểm không, phương pháp điều trị ra sao, chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý? (Giáp Đình Thuấn, 33 tuổi, Bắc Giang)
- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Nhịp tim của người bình thường trong khoảng từ 60 đến 70 chu kỳ/phút. Nếu nhịp tim dưới 50 chu kỳ/phút thường là nhịp tim chậm. Nhưng nguy hiểm nhất là những trường hợp nhịp tim quá chậm (dưới 40 chu kỳ/phút) thì không tưới máu đủ cho tất cả các tạng trong cơ thể nhất là gây ra tình trạng thiếu máu não làm cho bệnh nhân có thể bị ngất xỉu. Trong những trường hợp này các thầy thuốc phải dùng những thuốc để làm tăng nhịp tim của người bệnh hoặc phải đặt máy tạo nhịp tạm thời hoặc vĩnh viễn để điều trị cho các trường hợp đó. 
- Kính thưa GS. TS. Nguyễn Lân Việt;
Tôi đã mổ tim thay van 2 lá cách đây 4 năm, vẫn uống Symtron đều đặn theo toa bác sĩ. Ngoài ra, tôi còn uống các loại thuốc trị các bệnh trầm cảm, phì đại tuyến tiền liệt, đau thần kinh toạ. Xin hỏi GS. TS. nguy cơ hình thành cục máu đông có tăng cao khi uống nhiều loại thuốc như vậy không, và biện pháp đối phó?
Xin GS.TS. giúp tôi. Xin chân thành cảm tạ. (Phạm văn Mát, 53 tuổi, 765 Tân Kỳ Tân Quý,Bình Hưng Hoà A, Bình Tân.)

- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Về nguyên tắc, khi đã thay van 2 lá cơ học thì bắt buộc phải sử dụng các thuốc chống đông máu 1 cách thường xuyên. Trường hợp của ông vẫn đang uống Sintrom đều đặn theo đơn của Bác sỹ như vậy là đúng. Nhưng ông cũng cần xét nghiệm về INR và tỷ lệ Prothrombin 1 cách định kỳ để các thây thuốc sẽ có cơ sở điều chỉnh kịp thời liều thuốc chống đông cho ông.
Ông có nói là hiện tại ông còn đang uống thêm các thuốc trị bệnh trầm cảm, phì đại tiền liệt tuyến, đau thần kinh tọa. Các thuốc chống đông thường có bị tác động bởi nhiều loại thuốc khác. Ví dụ như các thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng hiệu quả thuốc chống đông nên dễ có nguy cơ bị chảy máu. Vì vậy, tốt nhất là ông nên xét nghiệm INR và PT 1 cách định kỳ và xin ý kiến trực tiếp của thầy thuốc điều trị về các loại thuốc mà ông định dùng thêm, để tránh tình trạng làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc chống đông.
- Xin chào giáo sư!
Tôi năm nay 33 tuổi, tôi phát hiện mình bị bênh tim (sa van 2 lá, ngoại tâm thu) năm 26 tuổi. Tôi dùng betaloc 25 mg trong vòng 1 năm trước khi sinh em bé năm 28 tuổi. Bé thứ nhất tôi phải mổ đẻ, nên 1 năm cho con bú tôi không dùng thuốc điều trị. Từ năm 29-31 tuổi tôi có theo dõi và điều trị tại phòng khám tim ở phố Lê Thanh Nghị, dùng thuốc vastarel và cordarone 200mg. Vì có ý định sinh em bé nên tôi dừng thuốc và hiện tôi đang có bầu gần 6 tháng. Kết quả khám siêu âm và điện tâm đồ mới nhất kết luận tôi bị hở van 2 lá 2/4 và ngoại tâm thu nhịp đôi.Tuy nhiên, trong 3 tuần gần đây tôi thấy mình bị phù chân nhiều. Lúc đầu chỉ là buổi chiều nhưng giờ thì bị phù cả ngày, nhịp tim rất loạn, thi thoảng có triệu chứng giật mình hít sâu khi ngủ. Tôi đã thực hiện chế độ ăn nhạt và đi bộ nhưng ko thấy đỡ. Tôi rất lo lắng vì sợ dùng thuốc ảnh hưởng đến em bé nên tôi rất mong GS tư vấn giúp tôi: làm thế nào để duy trì thai kỳ bình thường và sinh nở an toàn. Xin cảm ơn GS và chúc GS luôn mạnh khỏe. Chúc vnexpress ngày một phát triển. (nguyễn thị lan, 33 tuổi, 570-nguyễn khoái-hn)

- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Trường hợp của chị bị hở van 2 lá mức độ vừa, ngoại tâm thu nhịp đôi, phù 2 chân, lại đang mang thai gần 6 tháng. Chị rất cần đến viện tim mạch, bệnh viện Bạch Mai để được các thầy thuốc khám lâm sàng cụ thể và làm thêm 1 số xét nghiệm cần thiết để có thể xác định mức độ bệnh, loại hình và số lượng ngoại tâm thu, từ đó mới chỉ định được biện pháp điều trị thích hợp nhất cho chị.
GS. TS. Nguyễn Lân Việt
- Chào giáo sư Nguyễn Lân Việt!
Cháu xin hỏi một số vấn đề xung quanh việc thông liên nhĩ.
Trước đây không biết. Đến năm 2012 khi sinh bé đầu tiên và đi khám vợ cháu mới phát hiện bị thông liên nhĩ và trong năm đó đã đi bít rù ở C7 Khoa tim mạnh BV Bạch Mai rồi.
Sức khoẻ tương đối ổn định. Vậy cho cháu hỏi phương pháp bít rù đó được bao nhiêu thời gian và có phải đi bít lại không hay làm các cuộc phẫu thuật khác không?Ít nữa về già có bị ảnh hưởng nữa không?
Vợ chồng cháu vẫn còn trẻ và sinh được một bé năm 2012. Liệu đến sau 4-5 năm nữa vợ chồng cháu muốn có bé nữa liệu được không? Có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của vợ cháu không? Rất mong được giáo sư trả lời
Cháu xin chân thành cảm ơn! (Nguyen Phuc Thanh, 32 tuổi, Thanh xa, Nghia Hiep, Yen My, Hung Yen)

- GS.TS Nguyễn Lân Việt:
Thông liên nhĩ là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp. Điều trị đóng lỗ thông bằng dụng cụ qua da là 1 biện pháp điều trị tiên tiến, thay thế cho phẫu thuật trước đây. Về nguyên tắc, sau khi bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ thành công bệnh nhân có thể coi như khỏi bệnh hoàn toàn. Tùy vào tình trạng bệnh nhân trước khi làm thủ thuật, các bác sỹ chuyên khoa tim mạch sẽ có kế hoạch tái khám và theo dõi cho bệnh nhân. Trường hợp của vợ cháu nên đến khám CK tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai để được thăm khám lại. Nếu sức khỏe vợ cháu khá ổn định như cháu nói và kiểm tra thấy áp lực động mạch phổi bình thường thì việc có thai và sinh đẻ tiếp thường cũng không bị ảnh hưởng gì.
- Cháu xin gửi lời chào đến GS-TS Nguyễn Lân Việt! Mẹ cháu năm nay 66 tuổi, bị tiểu đường khoảng 10 năm. Cách đây 4-5 năm, mẹ cháu có hiện tượng đau nhói ở tim hiện tượng như bị cá đớp. Đi khám ở bệnh viện Tỉnh chuẩn đoán bị mạch vành. Năm 2013, mẹ cháu cố khám và chiếu chụp ở Bệnh viện Bạch mai ( cháu không nhớ tên gọi của gói chụp, khoảng gần 6 triệu), bác sĩ kết luận không phải mạch vành và có cho thuốc điều trị. Sau 1 năm điều trị, mẹ cháu vẫn bị hiện tượng trên, đi khám ở BV Tỉnh chuẩn đoán suy vành. Vậy GS.TS cho cháu hỏi, bệnh mẹ cháu có nguy hiểm không và hướng điều trị ra sao a? (Nguyen Huyen Thu, 36 tuổi, TP Hai Duong)
- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Mẹ cháu đã bị tiểu đường khoảng 10 năm thì  thường các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ trong cơ thể cũng thường bị xơ vữa động mạch với các mức độ khác nhau. Quan trọng nhất là động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch chi dưới, động mạch thận... thường bị xơ vữa và có thể hẹp tắc ở các mức độ khác nhau. Khi động mạch vành bị hẹp nhiều hoặc tắc thì thường gây ra những cơn đau thắt ngực hoặc thậm chí có thể gây nhồi máu cơ tim. Cần lưu ý là tổn thương mạch vành của người bệnh đái đường thường rất nặng nề, tổn thương lan tỏa, phức tạp nhưng triệu chứng lâm sàng (triệu chứng đau ngực) thường lại không điển hình. Vì vậy để xác định có tổn thương mạch vành không và mức độ tổn thương như thế nào thì các thầy thuốc phải làm một số thăm dò nhất là chụp MSCT 64 dãy hoặc 256 dãy hay chính xác nhất là chụp động mạch vành bằng phương pháp thông tin và bơm trực tiếp thuốc cản quang vào động mạch vành.
Khi mẹ cháu lên khám tại Viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai thì chắc chắn các bác sĩ sẽ xác định chính xác mức độ bệnh của mẹ cháu và sẽ có hướng điểu trị thích hợp, cháu không nên lo lắng quá.
- Thưa bác sĩ, hiện tại vợ cháu đang mang thai được 28 tuần. Khi siêu âm ở tuần 18 bác sĩ phát hiện thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh (hội chứng thiểu sản thất trái). Cháu đã đưa vợ đi hội chẩn ở viện C bác sĩ cũng kết luận như vậy. Bác sĩ khuyên cháu nên đình chỉ thai nghén càng sớm càng tốt vì đây là dị tật bẩm sinh nặng và hiếm gặp. Cháu và vợ đã suy nghĩ rất nhiều, hai bên gia đình không cho vợ chồng cháu bỏ đứa bé vì sợ mang tội. Vì thế cháu đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, những lần siêu âm tiếp theo các chỉ số siêu âm thai con cháu đều đạt tiêu chuẩn. Thưa bác sĩ liệu sau khi sinh ra con cháu có được khoẻ mạnh và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác được không? Việt Nam đã có ca phẫu thuật hội chứng thiểu sản thất trái nào chưa và tỷ lệ thành công là bao nhiêu ah? Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ! (Trần Minh Thanh, 26 tuổi)
- GS.TS Nguyễn Lân Việt:
Nếu đúng như các Bác sĩ đã xác định thai nhi của vợ chồng cháu bị thiểu sản thất trái thì đây thực sự là 1 dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp nhưng rất nặng và tiên lượng thường xấu, song nếu gia đình cháu quyết tâm để vợ cháu giữ thai thì sau khi sinh chắc chắn cần làm siêu âm Doppler tim để khẳng định có đúng như chẩn đoán trước sinh hay không. Hy vọng là sau khi sinh mà cấu trúc tim không đúng như chẩn đoán trước sinh thì tốt quá! Còn theo tôi biết thì những trường hợp thiểu sản thất trái bẩm sinh gần như chưa có biện pháp điều trị triệt để mà chỉ có các biện pháp điều trị tạm thời mà thôi.
live_interview-1411613935_480x0.jpg
GS.TS Nguyễn Lân Việt
- Tôi là nữ, 59 tuổi. Huyết áp thường xuyên của tôi là 130/ 80. Cao 1m52, nặng 56kg . Ba mẹ tôi đều bị huyết áp cao.
Nhưng gần đây tôi bị hiện tượng choáng váng và khi đo thì huyết áp là 130/60. Tôi có uống nước đường nóng nhưng không thấy bớt
Xin hỏi Bác sĩ:
1/ Đây là hiện tượng gì? Có phải triệu chứng suy tim không?
2/ Nên đối phó tức thời bằng cách nào ngoài việc nằm nghỉ?
3/ Có cách nào phòng tránh?
Xin cám ơn Bác sĩ (Nguyễn thị Lan, 59 tuổi, 190 Thảo điền quận 2 TPHCM)

- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Hiện tượng choáng váng có thể xảy ra nhất thời hoặc thường xuyên. Choáng váng là triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau như tụt huyết áp hoặc ngược lại khi huyết áp quá cao, thiếu máu, hạ đường huyết, hẹp động mạch cảnh, tai biến mạch não thoáng qua, một số các rối loạn nhịp tim, v.v.
Vì vậy, chị nên đến bệnh viện để các bác sỹ khám lâm sàng và làm 1 số thăm dò cần thiết để xác định xem nguyên nhân choáng váng của chị là gì.
- Tôi ngủ ngáy rất to. Xin hỏi cách trị bệnh này. (hồ văn hội, 37 tuổi, phú yên)
- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Trong lúc ngủ, một số người có thể có tiếng ngáy nhưng thường là không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng có một số người béo phì,  trong lúc ngủ  thường ngáy rất to nhất là có những cơn ngưng thở khi ngủ thì đấy là những trường hợp bệnh lý khá nguy hiểm. Những trường hợp này cần đến bệnh viện (như Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành một số thăm dò cần thiết để xác định bệnh. Nếu đúng là có bệnh lý trên thì các bác sĩ sẽ hướng dẫn các phương thức điều trị thích hợp nhất cho người bệnh (thường là phải có kết hợp sử dụng một loại máy thở với áp lực dương trong khi người bệnh ngủ) để tránh hiện tượng ngưng thở khá nguy hiểm trong khi ngủ.
- Thưa giáo sư, tôi đã đặt 1 stend cho động mạch vành cách đây 2 năm, từ đó tới nay tôi vẫn dùng thuốc và khám định kỳ tại viện tim Hà Nội và Đông Đô. Giáo sư cho tôi hỏi tôi có phải đi chụp kiểm tra không? Xin cảm ơn giáo sư! (Nguyễn Tiến Thức, 53 tuổi, BT6-A24 Mỹ đình 2 Hà Nội)
- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Sau khi đã được nong và đặt Stent động mạch vành thì người bệnh vẫn cần thiết có khám định kỳ và làm 1 số xét nghiệm thường quy theo chỉ định của bác sỹ để biết được tình trạng của bệnh cũng như 1 số biến chứng có thể xảy ra, từ đó thầy thuốc mới có hướng điều trị kịp thời cho mình. Nói chung, các thầy thuốc thường chỉ chỉ định chụp lại động mạch vành khi bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở khi gắng sức hoặc qua 1 số thăm dò thấy có biểu hiện của hẹp tắc Stent hay hẹp tắc những vị trí động mạch vành khác.
- Tôi bị cao huyết áp và bệnh mạch vành. Tôi có tập thể dục nhưng cách ngày tập một lần (đạp xe đạp) thì huyết áp đo ở cùng thời điểm (18h) là 145/99. Có lúc buổi sáng tôi bị choáng nhẹ, không biết có phải bị tim mạch hay không? nhờ GS.TS tư vấn giúp. Cám ơn GS.TS Nguyễn Lân Việt!(Nguyễn Minh Thảo, 48 tuổi, 26 hẽm 68, phường 3, TP Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh)
- GS. TS. Nguyễn Lân Việt:
Nếu biết có phải tăng huyết áp hay không thì biện pháp đơn giản và duy nhất là cần đo huyết áp theo đúng phương pháp đã được chỉ dẫn. Trong trường hợp huyết áp bị dao động nhiều (lúc cao, lúc thấp, lúc bình thường) thì cần ghi Holter huyết áp 24h để có thể biết được chính xác mức độ diễn biến của con số huyết áp. Từ đó, các thầy thuốc sẽ đề xuất phác đồ điều trị thích hợp nhất cho bạn. Với các bệnh nhân tăng huyết áp, bên cạnh điều trị thuốc hạ áp thì những biện pháp điều chỉnh lối sống hợp lý, trong đó có việc tập thể dục, tập luyện với cường độ vừa phải (đi bộ, đi xe đạp nhẹ nhàng) đều là những biện pháp hỗ trợ điều trị có kết quả tốt.
- Con nhà cháu khi sinh ra bị tim bẩm sinh (Block nhĩ thất hoàn toàn) đã đặt máy tạo nhịp tim khi cháu được 2 tháng 23 ngày đến nay bé đã được gần 8 tháng tuổi. Bé được tiêm 1 mũi viêm gan B tại bệnh viện Phụ sản trung ương sau khi sinh . Xin hỏi bé nhà em tiếp tục có có được tiêm phòng vác xin như các bé bình thường không? (Bùi Thị Nguyên Bình, 32 tuổi, Phú Thọ)
-  Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Trường hợp con của chị bị block nhĩ thất hoàn toàn nhưng đã được đặt máy tạo nhịp tim. Như vậy quả tim của cháu đã được hoạt động gần như bình thường theo máy tạo nhịp. Vì vậy cháu hoàn toàn có thể tiếp tục được tiêm phòng theo đúng như lịch trình tiêm phòng như tất cả các trẻ khác
- Chào Giáo sư,
Bố cháu năm nay 58 tuổi khoảng 3 tháng nay bố cháu bị tăng huyết áp. Đi khám thì bác sĩ nói là nhồi máu cơ tim thể nhẹ. Nên cho nằm viện khoảng 1 tuần để theo dõi. Sau đó, bác sĩ có kê cho bố cháu thuốc hạ áp nhanh. Tuy nhiên, gia đình cháu theo dõi thì thấy bố cháu hay tăng áp vào buổi chiều tối (từ 4h-7h tối), thỉnh thoảng cũng lên huyết áp lúc sáng và đêm. Hầu như ngày nào cũng lên. Bên cạnh đó, khi tăng áp, gia đình cháu (mẹ cháu) đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử (omron đo bắp tay) cho bố cháu thì thấy ngoài việc tăng huyết áp thì nhịp tim của bố cháu cũng tăng, có những lần tăng đến gần 120 nhịp/ phút. Nhưng cũng có khi nhịp tim hạ rồi lại tăng, nghĩa là nhịp tim khá rối loạn. Đôi khi nhịp tim tăng mà huyết áp vẫn bình thường. Vậy bố cháu có phải bị nhồi máu cơ tim không? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều! (Vũ Thị Thu Hương, 30 tuổi, 35 Võ Văn Kiệt, TPBMT, Tỉnh Daklak)

-  Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Nhồi máu cơ tim tức là một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị nghẽn hẳn làm cho một hoặc nhiều vùng cơ tim bị hoại tử. Để xác định có bị nhồi máu cơ tim hay không các thầy thuốc thường phải dựa vào những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh này như có cơn đau thắt ngực, có những biến đổi trên điện tâm đồ (hình ảnh thiếu máu, tổn thương hoặc hoại tử cơ tim), các men tim tăng cao, có rối loạn vận động vùng cơ tim trên siêu âm tim... 
Nói chung khi có cơn đau thắt ngực thì rất nên đến ngay bệnh viện gần nhất để các thầy thuốc sẽ thăm khám, có chẩn đoán xác định và từ đó đưa ra phương hướng điều trị thích hợp nhau cho người bệnh. 
live_interview-1411614144_480x0.jpg
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt
- Con chào Bác Sỹ, con tên là Phương Uyên (Nữ, 33 tuổi, chưa lập gia đình), con có một số câu hỏi muốn hỏi Chú, mong được Chú giải đáp
Con bị thấp khớp từ hồi còn học tiểu học và đã điều trị là tiêm thuốc kháng sinh Peniciline hàng tháng cho đến năm 25 tuổi, từ đó đến nay con đã khỏi hoàn toàn không còn đau khớp nữa, siêu âm tim và đo điện tim không bị biến chứng gì, vậy Chú cho con hỏi thấp khớp đã ổn định thì có cần tái khám tim mạch định kỳ nữa không?
  (Phương Uyên, 33 tuổi, Đăk Nông)

-  Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt::
Thấp tim rất hay gây ra các biến chứng đối với tim (thường nhất là hẹp hoặc hở các van tim). Rất may là chị đã được tiêm phòng thấp liên tục trong một thời gian dài nên các cấu trúc tim hiện nay là tương đối bình thường. Tuy nhiên, trên cơ địa người có tiền sử thấp tim thì vẫn cần phải chú ý sự tái phát của các đợt thấp tim mới. Cụ thể cần giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ ấm cổ và bàn chân nhất là trong mùa lạnh, tránh uống nước lạnh (dễ gây viêm họng tái phát - một yếu tố làm khởi phát các đợt thấp tim mới. Nếu vẫn bị viêm họng kéo dài thì cần đến các bác sĩ Tai-mũi-họng để điều trị triệt để tình trạng viêm họng mãn tính đó.
- Nhà tôi có thói quen ăn thịt nạc có lẫn mỡ, đặc biệt là chồng và con trai tôi rất thích ăn các món làm từ thịt mỡ như tóp mỡ chiên, chân giò luộc, thịt kho tàu... Chế độ ăn như thế có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tim mạch hay không vì tôi thấy nhiều người nói ăn mỡ là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, tăng cholesterol? (Hoàng Anh, 45 tuổi)
Đúng như vậy, chế độ ăn có nhiều mỡ động vật sẽ tạo ra nhiều năng lượng (Calo) trong cơ thể như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì, gây lắng đọng mỡ ở thành mạch máu, ở gan, ở tim… Đặc biệt trong mỡ động vật có nhiều acid béo no bão hòa, cholesterol xấu nên rất dễ dẫn đến xơ vữa động mạch. Nếu gia đình bạn có thói quen thích ăn mỡ động vật thì nên thay đổi, khi phải chiên, xào nên dùng dầu thực vật triết xuất từ đậu nành ví dụ như dầu Simply sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
- Em năm nay 29 tuổi, có 1 bé gái được 29 tháng tuổi, trong thời gian mang thai em có bị tiền sản giật nặng, huyết áp có khi lên đến 180mmHg nhưng em không cảm thấy gì cả (không đau đầu, không hoa mắt.., sau sinh thì bác sĩ sản khoa bảo em nên đi kiểm tra lại vấn đề tim mạch, kết quả là hở van 3 lá. Bác sĩ cho em hỏi là trường hợp của em như vậy có nguy hiểm và ảnh hưởng gì không? khi em muốn có thai lần 2 có ảnh hưởng đến sức khỏe không? trước khi mang thai thì huyết áp của em hơi thấp thường là 100/90mmHg. Xin cám ơn bác sĩ! (Mạc Thị Ngọc Mỹ, 29 tuổi, 23/8 Trần Khắc Chân, P.15, Q.Phú NHuận, TPHCM)
-  Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa nặng, nhưng rất may là em đã qua được giai đoạn này. Tuy nhiên, em vẫn rất cần khám và thăm dò toàn diện lại hệ thống tim mạch và thận để có thể đánh giá chính xác tình trạng chức năng của tim và thận hiện tại ra sao. Còn tình trạng hở van ba lá nhẹ thì có phần lớn ở những người lớn mà không có gì phải lo lắng cả. Tất nhiên, nếu em muốn có thai lần thứ 2 thì việc thăm khám về tim mạch và sản khoa (nhất là đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu toàn bộ) là rất cần thiết để có thể can thiệp kịp thời với những biến chứng có thể xảy ra.
- Thỉnh thoảng tôi lại bị tim đập loạn khoảng chừng 10-15 giây. Tôi khống chế bằng cách hít vào thật sâu rồi thở ra trong chốc lát thì tim lại bình thường rồi lâu lâu lại trở lại. Xin hỏi bác sĩ đây là hiện tượng gì và cách khắc phục. (Ta Dieu, 55 tuổi, 4224 oceanside blvd)
-  Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Trường hợp của anh là có rối loạn nhịp tim thoảng qua. Để khẳng định đây là rối loạn nhịp gì thì thường phải ghi điện tâm đồ trong lúc bị rối loạn nhịp thì mới xác định được chính xác loại rối loạn nhịp đó, ví dụ là ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn rung nhĩ nhanh thoảng qua... Tốt nhất anh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám toàn diện và nhất là ghi Holter điện tâm đồ 24 giờ để có  thể xác định chính xác hình thái rối loạn nhịp tim của mình và từ đó có thể phương thức điều trị thích hợp nhất cho mình.
- Xin hỏi đối với người đã đặt Stent thì sau bao nhiêu năm sẽ phải đặt lại và việc chơi thể thao như tennis có tốt cho sức khoẻ không? Việc sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu trong bao lâu thì dừng lại? (Pham tu, 52 tuổi)
- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Sau khi đã đặt Stent động mạch vành thì người bệnh bắt buộc phải sử dụng liệu pháp kháng tiểu cầu kép (Aspirin và Clopidogrel) để chống lại hiện tượng tái hẹp trong Stent. Về nguyên tắc, với các loại Stent có phủ thuốc thì thuốc Clopidogrel phải dùng ít nhất là 12 tháng còn Aspirin thì cần dùng lâu dài (nếu như không có các chống chỉ định của thuốc). 
Sau khi đã bị nhồi máu cơ tim, mặc dù đã được đặt Stent nhưng thường chức năng của tim vẫn bị suy giảm với những mức độ khác nhau vì vậy việc tập thở, tập đi lại nhẹ nhàng hàng ngày là hết sức cần thiết đối với người bệnh. Nhưng những hoạt động thể thao quá mạnh như chơi tennis thì thường không có lợi cho hệ tim mạch.
- Xin chào bác sĩ, đối với phụ nữ bước sang độ tuổi ngoài 50 thì cần có chế độ ăn như thế nào để bảo vệ tim mạch, giảm thiểu được các bệnh về tăng cholesterol. Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Ngọc Hà, 56 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)
- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Với phụ nữ ngoài 50 tuổi thì do tình trạng sụt giảm về các nội tiết tố nên người bệnh thường có rất nhiều biểu hiện khó chịu như người lúc nóng lúc lạnh, da dẻ không còn mịn màng nữa, hay có cảm giác bốc hỏa, nhịp tim nhanh, đau mỏi xương khớp... Đây là hiện tượng sinh lý bình thường thường gặp ở những phụ nữ trong lứa tuổi này vì vậy chị không nên quá lo lắng. Tốt nhất chị nên điều chỉnh lại chế độ làm việc, tăng cường tập thở và tập đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày. Chị nên hạn chế ăn mặn, tránh ăn mỡ động vật và các thực phẩm có nhiều axit béo bão hòa, nhiều cholesterol.... mà nên ăn thay bằng các loại dầu thực vật. Ngoài ra, rất cần tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả  tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Có thể dùng thêm một số loại vitamin và các yếu tố vi lượng khác. Chị cũng nên chú ý giai đoạn này thường có kết hợp với hiện tượng loãng xương nên trong khẩu phần ăn uống cũng cần có các chất khoáng cần thiết. 
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt
- Tôi năm nay 64 tuổi, là nữ, bị mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, thỉnh thoảng có cơn tăng huyết áp. Tôi có thói quen ăn thịt lẫn mỡ và đôi khi sử dụng mỡ để xào nấu hàng ngày vì tôi thấy đài báo nói nên ăn kết hợp cả mỡ và dầu thực vật mới tốt cho sức khỏe, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Có người nói tôi ăn mỡ sẽ làm bệnh nặng hơn, khuyên tôi ngừng ăn mỡ, chuyển qua dùng dầu đậu nành. Xin BS cho lời khuyên trường hợp của tôi phải làm thế nào mới đúng? (Nguyen Hong An)
- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Trong khẩu phần ăn uống vấn đề quan trọng là có sự cân đối giữa các thành phần gluxit, protit, lipit và những vitamin cùng một số yếu tố vi lượng khác. Nhưng nếu ăn quá nhiều mỡ động vật nhất là chị đã bị mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ thì lại càng làm nặng thêm tình trạng rối loạn lipit máu từ đó có thể gây thêm tình trạng xơ vữa động mạch ở nhiều mạch máu khác nhau. Điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, chị có thể thay thế các loại mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật (như những loại dầu đậu nành) để có thể vẫn cung cấp những thành phần của lipit máu có lợi cho cơ thể. 
- Tôi ở nhà nội trợ nên rất quan tâm đến các vấn đề dinh dưỡng, thực phẩm. Tôi nghe nói sử dụng dầu đậu nành thì tốt cho sức khỏe tim mạch. Nhưng không rõ tốt như thế nào, xin bác sĩ giải thích thêm giúp tôi? (Bao Chau)
- GS. TS. Nguyễn Lân Việt::
Dầu đậu nành có khoảng 85% là các axit béo có lợi cho sức khỏe như omega 3, 6 (MUFA), 9 (PUFA), có tác dụng tốt trên hệ tim mạch thông qua việc điều chỉnh huyết áp, cải thiện cấu trúc mạch vành, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Qua nhiều nghiên cứu, người ta cũng chứng minh được rằng các axit béo trên còn làm giảm tổng cholesterol và cải thiện tỉ lệ giữa cholesterol tốt (C-HDL) và cholesterol xấu (C-LDL). Vì vậy, MUFA, PUFA còn được Hội Tim Mạch Mỹ đã khuyến cáo sử dụng để phòng tránh và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch đặc biệt đối với người cao tuổi nhờ vào tính thích hợp, không ảnh hưởng đến thành phần lipid trong huyết tương. 
Dầu đậu nành là một nguồn cung cấp omega 3,6,9 tự nhiên rất lý tưởng và kinh tế nên chị có thể dùng dầu đậu nành để nấu ăn hàng ngày cho gia đình. Hiện nay dầu đậu nành Simply được Hội TMVN đánh giá cao về uy tín chất lượng cũng như sự đóng góp tích cực cho sức khỏe tim mạch cộng đồng.
- Bệnh huyết áp cao ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tim ạ? (Bùi Thị Kim Ngân, 26 tuổi, Hà Nội)
- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng. Một số bệnh nhân có thể có các biểu hiện lâm sàng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mắt hơi mờ... nhưng rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp trong một thời gian dài lại không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt làm cho người bệnh tưởng là mình vẫn bình thường. Nhưng trên thực tế bệnh tăng huyết áp lại gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, nhưng những biến chứng đó lại diễn biến khá thầm lặng và ngày một nặng dần, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Những biến chứng thường gặp nhất do tăng huyết áp gây nên là những biến chứng ở tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn.
Đối với tim, tăng huyết áp thường gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim
Đối với thận, tăng huyết áp thường gây ra có protein trong nước tiểu, suy thận
Đối với mắt, tăng huyết áp thường gây ra tổn thương đáy mắt với bốn giai đoạn khác nhau,  gây ra xuất tiết, xuất huyết, phù gai mắt... thậm chí có thể gây mù lòa cho người bệnh
Đặc biệt, tăng huyết áp rất hay gây ra các biến chứng đối với não. Đó là tình trạng nhũn não hoặc chảy máu não, tai biến mạch não thoảng qua. Các triệu chứng có thể là nhẹ như đau đầu, loạng choạng, nói hơi ngọng, méo miệng, sụp mi... hoặc nặng hơn như liệt nửa người, bán mê, hôn mê sâu...
Gần đây, chúng ta cũng gặp rất nhiều các biến chứng về mạch máu lớn do tăng huyết áp gây nên như phình, hoặc phình tách thành động mạch chủ, một biến chứng rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử lý kịp thời.
Vì vậy tốt nhất nếu đã bị tăng huyết áp thì nên điều chỉnh ngay lối sống hợp lý và sử dụng lâu dài các loại thuốc hạ áp theo đúng như hướng dân của các thầy thuốc để có thể đạt được huyết áp mục tiêu (HA dưới 140/90mmHg) và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.
- Chào Giáo sư !
Chồng em 35 tuổi, tiền sử gia đình bên mẹ của chồng em là cao quyết áp, thời gian gần đây chồng em có biểu hiện như: đau đầu lúc về chiều, mỗi khi có tiệc uống rượu hút thuốc vào thường kêu tức ngực khó thở ,anh có đi khám ở phòng khám đa khoa tư và lấy thuốc uống thì đã khỏi nhưng về lâu dài thì nguy hiểm vì chồng em có nhiều thói quen xấu không bỏ được như: uống rược hút thuốc, ăn mặn, nội tạng động vật, em đã khuyên nhưng không được. Em muốn hỏi:
- Em muốn đi khám và được tư vấn ở bệnh viện chuyên khoa nào ở TP HCM.

- Em được biết đến cái gọi là '"giờ vàng". Vậy nếu có trường hợp tai biến xảy ra thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu trước hay đưa thẳng đến bện viện chuyên khoa tim mạch ở TP HCM. (kim ngân, 35 tuổi)

- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Nói chung thanh niên mới 35 tuổi mà đã hút thuốc, ăn mặn, uống rượu nhiều... thì chắc chắn là đang tích lũy rất nhiều yếu tố nguy cơ xấu đối với hệ tim mạch của cơ thể. Trong trường hợp này, vấn đề quan trọng là người bệnh cần phải được tư vấn cụ thể để hiểu rõ được những nguy cơ thực sự có thể xảy ra đối với mình từ đó mới tự giác điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ luyện tập, chế độ làm việc của mình một cách hợp lý nhất
Trong trường hợp cần khám chuyên khoa sâu về tim mạch, thì tại TP HCM có khá nhiều các cơ sở có uy tín cao về chuyên môn như Viện Tim TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Trường Đại học Y dược TP HCM... Vì vậy, chồng của bạn có thể đến khám ở một trong những cơ sở nói trên để có thể có hướng xử lý kịp thời nhất những bệnh lý tim mạch của mình.
Trong trường hợp có những cấp cứu về tim mạch thì tốt nhất là gọi Trung tâm Cấp cứu 115 để có thể chuyển người bệnh nhanh nhất đến những cơ sở y tế có khả năng giải quyết cấp cứu với phương án tối ưu cho người bệnh.
- Xin chào BS Nguyễn Lân Việt. Tôi có con trai 25 tuổi, cháu bị tim block nhánh phải hoàn toàn, huyết áp thấp, thường 60 – 100 hoặc 55 – 95, nhịp tim thường 55 – 60. Cháu cao 1m78, nặng 60 kg. Hiện nay cháu không uống thuốc gì, sinh hoạt bình thường, có lúc hay quên. Cháu làm việc trong một công ty liên quan rất nhiều đến máy tính, hầu hết thời gian làm việc là ngồi máy tính. Xin BS cho lời khuyên, làm thế nào để tình hình sức khỏe cháu tốt lên. Xin cảm ơn BS rất nhiều.
Đăng Ngân Hồng, Liên bang Nga (Đăng Ngân Hồng, 60 tuổi, Liên bang Nga)

- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Trường hợp đơn thuần có block nhánh phải hoàn toàn trên điện tâm đồ thì có thể gặp ở người bình thường vì vậy không có gì đáng lo ngại cả. Tuy nhiên, những trường hợp bị block nhánh trái thì thường có liên quan đến một số bệnh lý tim mạch thực thể.
Trường hợp của con bạn hầu hết thời gian là ngồi máy tính thì thực sự cũng không tốt cho sức khỏe nói chung và hệ tim mạch nói riêng. Do đó, nên cố gắng tự điều chỉnh công việc hàng ngày để có thể dành ra 5-10 phút xen kẽ các giờ làm việc như vận động nhẹ nhàng tại chỗ (vươn vai, hít thở sâu hoặc đi lại nhẹ nhàng quanh chỗ làm việc...) vì bất động lâu tại chỗ cũng là một yếu tố nguy cơ dễ gây nên tình trạng suy tĩnh mạch, béo phì...
- Kính chào Bác sĩ!

Cháu năm nay 25 tuổi. Cháu nghe rất nhiều về những hậu quả của các bệnh về tim. Bác sĩ có thể giúp cháu cùng các thanh niên khác cách phòng ngừa có hiệu quả những căn bệnh liên quan đến tim mạch được không ạ? Biểu hiện của những căn bệnh này thường như thế nào ạ?

Cháu xin trân trọng cảm ơn Bác sĩ và kính chúc Bác và gia đình luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!(Trần Văn Tiền)

- Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Việt:
Đúng là hiện tại các bệnh không lây nhiễm trong đó có các bệnh lý tim mạch đang ngày càng có khuynh hướng tăng lên ở nước ta. Các bệnh lý tim mạch có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, mọi giới. Vì vậy tốt nhất là nên chủ động điều chỉnh lối sống hợp lý để có thể có một sức khỏe tốt và tất nhiên sẽ có một trái tim khỏe.
Cần chú ý đến một số biện pháp cụ thể như sau: 
- Hạn chế ăn mặn. Hạn chế ăn các chất mỡ động vật, các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, các thức ăn nhanh...
- Hạn chế uống rượu bia 
- Không hút thuốc lá, thuốc lào
- Tích cực vận động hàng ngày nên dành thời gian khoảng 30 phút đến 45 phút để tập thể dục, tập đi bộ nhẹ nhàng 
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh kéo dài vì đây là những stress rất có hại cho sức khỏe tim mạch
Nên chủ động khám sức khỏe định kỳ và làm một số xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu... để có thể phát hiện kịp thời những tình trạng bệnh lý mà biểu hiện lâm sàng còn chưa rõ để có thể kịp thời điều trị ngay nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh (ví dụ như điều trị tốt tình trạng rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng axit uric trong máu...).
VnExpress

Vnexpress-Gia Đình
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment