Ngày mai tôi sẽ chết - Vũ Bằng

Chương 1


Tôi viết bức thư này không biết anh có kịp xem không, nhưng tôi cứ viết và ao ước anh sẽ đọc được trước khi ra lấy vé tàu đi Hà Nội. Anh ơi, anh đừng đi Hà Nội nữa. Người bạn cũ của anh bây giờ đã già quá đi mất rồi. Sau mười sáu năm trời không gặp mặt nhau, chính anh, tôi e rằng anh cũng không nhận ra tôi nữa. Tôi chỉ còn là một đống giẻ rách không tên, ở một chỗ ngoại ô hẻo lánh chung quanh toàn những tiếng búa đập trên đe và những câu chửi rủa thô tục của những gái chơi trốn thuế. Buổi sáng lúc trời còn mù mịt chưa trông rõ mặt người, những đoàn xe đen kịt từ ở trên phố kéo về đem một hơi hướng khó chịu của Hà Nội đến cái giường tre tôi nằm buổi trưa, ruồi đậu và muỗi kêu như thúc giục người ta dậy cầm một cái gậy giang hồ để đi, bất cứ đâu; và buổi tối, những lời dọa dẫm chém giết nhau không lúc nào ngớt làm cho một người bình tĩnh nhất cũng đâm ra phẫn chí.
- Phải đi! Ta nhất định phải đi!...

Biết bao nhiêu lần tôi đã nói thế với tôi rồi? Chao ôi, không có một lần nào, không một lần nào tên bạn khốn nạn này của anh lại dám đem thực hành ý kiến. Đó là bởi vì mười năm nay y mắc phải một bệnh nan y, một bệnh giữ người ta lại ở chân giường không cho biết những phương trời mới lạ: đó là bệnh nghiện.

Bây giờ mỗi khi trong xóm có ai xa lạ đến hỏi thăm tôi hay là tò mò muốn biết chủ nhân của cái nhà lá ở chỗ "Ba con chó đá" đi vào:

- Cái ông bung bủng ăn thuốc ấy làm nghề gì ấy nhỉ?... thì trẻ con và đàn bà chung quanh đó, không động một cái gân mặt, đều trả lời thản nhiên rằng:

- Ấy, nghe đâu như ông ấy viết sách viết báo bán cho nhật trình thì phải.

Anh ơi, người ta còn có thể trả lời khác thế làm sao được? Bạn anh mới có bốn mươi hai tuổi - tuổi người ta vui vẻ bước vào đời, lòng đầy chim hót - vậy mà đã già lắm, yếu lắm, chán nản lắm rồi anh ạ. Bây giờ, những buổi sáng trời, ngồi chống tấm phên lên nhìn ra cái ao tù đằng trước mặt, tôi tiếc cái thời kỳ trẻ tuổi như một người không may hồi cố đến một bạn tình có thủy không chung. Những lúc ấy trái tim tôi se lại. Một vị gì cay cay mà mặn mặn đến với lưỡi tôi: tôi tưởng như mình ốm nặng lắm rồi, chỉ ngày mai sẽ chết không còn thuốc gì chữa nổi. Thì tôi lại càng thương mẹ tôi và các em tôi - hiện bây giờ đã nằm yên trong một cái nghĩa địa một tỉnh gần bờ bể, có lẽ lúc này đây rét lắm ở trong những cái mộ không bao giờ cất lại. Ôi, mẹ tôi và hai em gái của tôi đã cầu Trời khấn Phật cho tôi biết bao nhiêu. Họ làm việc gì, họ trông mong gì là đều làm việc và trông mong cho đứa con này, cho thằng anh này sẽ gặp sự may mắn trên đường đời.

Tạng tôi vốn ốm nên mẹ tôi thương tôi lắm. Nhất là em gái thứ hai tôi thì lại càng xót xa tôi. Tôi còn nhớ trước hôm nó chết hai ngày, vào lúc hoàng hôn nó có dắt tôi đến bên cạnh một gốc nhãn mà bảo tôi:

- Đêm qua, em sốt lắm và ho suốt cả đêm. Em xem chừng không sống được. Vậy từ hôm nay anh cầu cho em đi, anh cầu cho em "đi" một cách nhẹ nhàng. Còn em, nếu em chết, em sẽ không bao giờ quên anh. Em phù hộ anh và sẽ cầu cho anh may mắn hơn thày, không khổ về tinh thần và vật chất. Nhưng ngay bây giờ em còn sống và nghe được lời anh, anh hãy nguyện với em sẽ không bao giờ làm cái nghề bán văn buôn chữ nữa!

*

* *

Tôi vốn không phải người Hà Nội. Dòng họ nhà tôi từ bao nhiêu đời nay vẫn sinh cơ lập nghiệp ở làng Kiến Chính thuộc Nam thành. Mẹ tôi đan lưới. Gió bể ngày đêm thổi hút vào nhà tôi và những cái lưới ấy bay phần phật. Hai em tôi giúp đỡ mẹ tôi trong những việc đan lờ tết chỉ và giúp hai bữa cơm trong nhà. Bởi vì nhà tôi thanh bạch lắm, không nuôi đày tớ. Cả ba người làm ngày đêm mới tạm được nuôi nhà: tôi đi học tốn kém nhiều, còn thày tôi dăm bảy tháng mới có một cái bổng một vài chục bạc.

Tôi gọi là cái bổng bởi vì thày tôi không sống hẳn vì nghề. Thày tôi sinh vào giữa lúc chữ nho tàn cục, phải kéo lê cái sống tồi tàn trên mảnh đất này, lúc buồn thì dạy mấy đứa trẻ học vài cái chữ nho để họa là có truyền được cho con cháu cái đạo của thánh hiền Khổng Mạnh.

Những đứa trẻ ấy đều là con nhà nghèo cả, họa hoằn mới có một hai trẻ sang để tạ Ơn. Thày tôi, vì vậy phải kiếm thêm bằng cách viết bài cho một tờ nguyệt báo xuất bản ở Hà thành - hồi ấy ở Hà thành có báo viết vừa bằng chữ nho, vừa bằng chữ quốc ngữ - để kiếm thêm. Nhưng gọi là kiếm thêm đó mà thôi chứ thực thì có khi đến một năm thày tôi mới được nhà báo đưa biếu một vài chục bạc (hồi ấy người ta không gọi là tiền nhuận bút nhưng là tiền trầu nước).

Cuộc đời ở cái làng hẻo lánh này cứ đi như thế, đều đều tựa ngọn triều ở trước nhà tôi ngày xuống đêm lên không có một sự gì thay đổi. Mẹ tôi cứ đan lưới bán, thày tôi cứ viết bài đăng ở Tân Văn, còn hai em tôi thì vừa mạng lưới vừa nhìn ra xa xa ngoài bể khơi xem những con thuyền đánh cá đi đi lại lại như những con mộng đẹp.

Cho đến năm tôi hai mươi tuổi. Một hôm, thày tôi đi mất tích. Mẹ tôi mở cửa trông ra bể đợi, nhưng xuân đi, hạ đến rồi thu, rồi đông, thày tôi vẫn tuyệt vô âm tín, hàng xóm không ai biết cả. Từ đó, đêm cũng như ngày, tiếng hát của biển khơi vọng vào nhà tôi buồn ray rứt cả ruột gan. Nhà tôi sa sút. Em gái lớn tôi đi lấy chồng, nhưng mới được mấy tháng thì chết vì sinh nở.

Chính đêm đi đưa đám nó về, ba mẹ con tôi ngồi đốt đèn lên để than thở với nhau thì có người gõ cửa rất gấp và đem vào một bức thư. Tôi còn nhớ đêm ấy mưa to lắm. Gió bể thổi heo hút, người đàn ông kia lạnh bợt hẳn mặt đi và ướt lướt mướt cả từ đầu đến gót, nhưng mẹ con tôi cũng không thể giữ người ở lại, dù chớp bể mưa nguồn, sấm sét nổi lên tứ phía như thể trời lúc ấy tức giận đến cùng cực vậy.

Từ đấy tôi hiểu rằng thày tôi không còn bao giờ trở về đến đất này.

Mẹ con tôi sống heo hút với nhau, không mong đợi điều gì nữa, nhưng vẫn liếc nhìn ra những con thuyền rẽ sóng đi... và chúng tôi lại tưởng là thuyền ai đi ngày trước.

Trong khi ấy, thì mẹ tôi già héo đi lúc nào không biết. Cái tay đan lưới ở dưới ánh đèn dầu mỗi ngày mỗi chậm. Giọng nói của người cũng yếu đi, tuy đã lâu mẹ tôi ít hẳn nói cười. Ôi, người đàn bà ấy cắn răng mà chịu đựng số mệnh, không than không tiếc nhưng chỉ mong có một điều rằng: tôi là đứa con cuối cùng của họ; tôi phải giữ lấy dòng họ đừng cho tuyệt diệt. Phải lấy vợ, phải nghĩ chuyện nối dõi mai sau, còn đến việc bán văn buôn chữ thì mẹ tôi và em tôi khẩn khoản tôi chớ có nên theo đuổi làm gì. Bởi vì, mẹ tôi đã nhất định tin như thế rồi, không ai có thể làm lay chuyển lòng người được: mẹ tôi cho rằng thày tôi không những lao tâm lao lực vì văn chương, mà văn chương lại còn là nguyên nhân chính trong việc thày tôi đi mãi, không bao giờ về nữa. Tôi không nhớ rằng lúc ấy tôi có tin những lời nói của mẹ tôi không, nhưng tôi biết rằng tôi có hứa sẽ vâng theo lời mẹ.

Và tôi đã hứa cả với em tôi trước khi nó chết, nói với tôi bên gốc nhãn. Từ đó, ngày nọ đuổi ngày kia, năm tháng cứ dần trôi như nước bể trút sang những sông con, không bao giờ trở lại cùng bể nữa.

Tôi vuốt mắt cho mẹ và cho em, và cũng như nước bể, những lời hứa không còn ở trong trí óc của người trẻ tuổi lúc ấy có bao nhiêu nhựa sống căng trong mạch máu.

Không còn bận gì đến gia đình nữa tôi bán cả cơ nghiệp đi ra sống ở Hà thành. Tôi cho rằng phàm người thanh niên nào biết tự trọng, muốn sống cho ra sống, muốn làm nên sự nghiệp to tát thì không thể không ở Hà thành được: còn có chỗ nào đẹp đẽ bằng, còn có chỗ nào sống đầy đủ bằng?

Tôi thuê một cái gác nhỏ, và cũng như bao nhiêu "muỗi cỏ" ở các nơi bay về theo đuổi ánh sáng đèn, tôi quyết phải làm nên sự nghiệp gì không để xấu hổ cho dòng họ mình là một dòng họ nho phong. Thoạt đầu, cuộc đời tôi càng thấy khó bao nhiêu tôi càng say mê sống. Không hiểu vì sự say mê ấy hay vì cái nghiệp mà Thượng Đế bắt tôi phải chịu hoặc vì cái bản tính thanh niên xưa nay vẫn ham thích làm những điều mà người khác ngăn cấm mình, tôi quyết định sẽ trở nên một văn sĩ chỉ viết một tác phẩm mà ai ai cũng sợ.

Ở Hà thành, có bao nhiêu người đã nuôi những cái mộng như thế? Có lẽ đến hàng ngàn. Hàng ngàn người lúc nào cũng tin rằng bị Thượng Đế đọa đầy. Họ có khi đói khổ đến vô chừng, nhưng lúc nào cũng vui vẻ mà gậm tương lai vì họ tin rằng chính họ, họ sẽ ôm quả đất vào trong tay, họ muốn là họ được.

Không có ai bây giờ chạy đến mời ta ư? Không cần. Ta hãy ca tụng lẫn nhau đã bởi vì người bạn có thể thiếu cơm, ta không thể để cho hắn thiếu tài. Những người làm nên sự nghiệp khi xưa đều thế cả.

Tôi nghĩ vậy cho nên tôi nhìn ánh sáng kinh thành rất say mê. Tôi mơ tưởng đến những tác phẩm sắp viết và tôi ngửng lên nhìn trời. Bầu trời hôm nào cũng nhiều sao. Tôi thấy ngôi sao bản mệnh của tôi sáng lắm. Tôi lại càng tin tưởng ở sức huyền bí của Thượng Đế, tôi lại càng tin ở tài tôi trong khi bao nhiêu thanh niên khác, đầy tài đầy lực - hầu hết cũng bay ở phương khác về như tôi - bị ngã xuống hố không kịp chào cha mẹ anh em lần cuối.

Bây giờ ngồi mà nghĩ lại tôi thương những chiến sĩ vô danh đó không biết bao nhiêu, tôi thương cả những bực cha mẹ Ở tỉnh nhỏ nuôi con khôn lớn cho ra kinh thành để tạo nên sự nghiệp mà kết cục thì họ chết trơ trọi ở trên những cái giường lạnh lẽo trong những gian phòng tối tăm. Những lúc ấy xin thú thực tôi không nghĩ gì tới họ. Sự đắc thắng làm cho tôi say mê như một thứ rượu nặng men: tôi nghĩ đến tôi nhiều quá, nghĩ đến ngôi sao bản mệnh của tôi nhiều quá. Bao nhiêu máu, bao nhiêu óc của cha mẹ tôi để cho và nuôi cho đến ngày nay, tôi đều đem trút ra trên những dòng chữ hay như những cành hoa tươi trên mặt giấy. Tôi đã quên lời hứa với mẹ và em, đã không lấy vợ - hay nói cho đúng, tôi đã lấy vợ nhưng không lấy vợ như mẹ và em tôi đã tưởng: vợ tôi là sự nghiệp văn chương vậy.

Cái gác tôi trọ nào đâu có những thi vị như gian nhà lá ở trên bờ biển Kiên Chính khi xưa? Đây chỉ là một gian nhà gác xép bốn bề bưng kín như thể một cái mộ cất ở lưng chừng giời. Một cái kính vỡ ở đây, những đêm đông lạnh lẽo gió lùa vào rét quá, tôi lấy giấy nhật trình bịt lại. Cái bàn khập khiễng kia suốt đêm có tiếng mọt nghiến gỗ đến kinh người, thực chẳng khác những lời oán hận bất diệt của một hồn oan vậy. Bao nhiêu sự thiếu thốn, cơ cực ấy, tôi đều coi thường cả bởi vì tôi đã thấy ánh sáng đến với tôi rồi. Tôi đã tìm thấy cái bí quyết của sự đắc thắng nên dù là buổi chiều buồn, đứng ở cửa gác nhìn xuống đường chỉ có mưa rơi trên những cái mái nhà ám khói, tôi cũng thấy là nên thơ, là đẹp.

Thế rồi, tác phẩm đầu tiên của tôi, ra đời. Không anh ạ, anh đừng tưởng rằng hy vọng của tôi đến thế là tột bực đâu; tôi được hoan nghênh đến nhiệt liệt nhưng tôi vẫn chưa lấy gì làm thỏa. Chỉ trong có mấy ngày tôi đã từ một gã vô danh nhẩy lên chiếm một chỗ ngồi trong văn giới đáng cho những bậc lão thành thèm muốn. Các báo viết bài khen tác phẩm của tôi; các nhà xuất bản tranh nhau mời tôi viết; có nhiều nhà văn nhà báo có tên tuổi lại hỏi dò được địa chỉ của tôi viết những bức thư thật dài đến khuyến khích và mong cho tôi sẽ tiến mãi trên con đường sự nghiệp.

Tôi sướng quá, muốn khóc lên. Khóc vì mình đã thắng, chứ không phải khóc vì bây giờ mình đã được chút tên tuổi rồi mà cha mẹ không còn sống để chia vui. Luôn mấy hôm, người tôi như sốt, máu tôi chảy mạnh và dồn cả về thái dương; tôi say mê danh vọng quá và từ hôm ấy văn chương cám dỗ tôi như một mụ phù thủy cám dỗ một cô gái ngây thơ vậy.

Tôi viết quên cả ngày đêm, tôi viết trong những cơn sốt rét. Trong ba năm, bảy tác phẩm ra đời, óc và máu tôi chan hòa trên mấy trăm nghìn trang giấy bay khắp chỗ, từ thôn quê ra thành thị. Tôi là một người hữu hạnh nhất trong văn đàn. Không ai tranh cướp được địa vị của tôi. Giàu có và danh tiếng như thế chẳng là đã tạm đủ rồi hay sao?

Tôi vẫn ở trên căn gác xép bé nhỏ đã trông thấy tôi nổi tiếng. Tôi tiếp những ông chủ báo, tôi có khi phải trốn những nhà xuất bản. Nhưng dù sao tôi lúc nào cũng vẫn bất mãn về những tác phẩm của tôi đã xuất bản rồi, tôi muốn có nhiều tiền nữa để trả thù những khi túng bấn và tôi ao ước sẽ viết được một cuốn sách có thể gọi là một tác phẩm đánh dấu đời tôi lại.

Bởi thế, tôi cũng không từ chối nhiều nhà xuất bản đâu. Tôi nhận gần hết những lời yêu cầu của họ. Và bởi vì tôi là một người thực yêu nghề, tôi không viết cẩu thả được mà tôi cũng không sai hẹn được. Thế là một tháng hai mươi đêm tôi thức để viết cho đến khi xe điện leng keng những tiếng chuông đầu tiên của một ngày. Những tiếng rao bánh tây nóng của những đứa trẻ khi xưa cắp thúng đi bán từ lúc tinh sương chính là những bài hát ru tôi ngủ vậy.

Ban ngày tôi lại viết. Tôi uống từng bát cà phê đặc để lấy sức, tôi hút thuốc phiện để thức đêm và tôi ốm vì đau ruột.

Nhưng không cần. Tiền và danh vọng! Miễn có nhiều là được. Tôi đi đi lại lại ở trên cái gác xép của tôi vừa ngẫm nghĩ đến cái cốt truyện ngày mai vừa đưa con mắt lơ đãng xem mảnh trời đẹp ở bên ngoài ra sao.

Trời đẹp thì đẹp lắm.


Chương 2



Bệnh đau ruột của tôi mỗi ngày một nặng thêm. Tôi vào nhà thương khám thì bác sĩ bảo tôi rằng cần phải mổ. Ba tháng trời! Ba tháng trời nằm ở trên giường bệnh, dập dìu những người bạn chuộng văn có một cảm tình chân thật và những ông chủ xuất bản và chủ báo vì xã giao đến thăm nom, tôi không viết được một tác phẩm gì thêm nữa. Vả lại bác sĩ chữa cho tôi lại dặn đi dặn lại viên khán hộ không cho phép tôi làm việc gì mệt nhọc, nên suốt ngày tôi chỉ đành nằm dán mắt lên trần nhà xem con mối này đi đến đầu tường thì có rẽ không, hay con ruồi nọ bay đến đấy có đỗ hay lại còn bay nữa.

Con ruồi, mà tôi đánh đố tôi, bay đến đấy thì đỗ thực. Có ai ngờ đâu rằng, cũng như con ruồi, sự nghiệp văn chương của tôi đến đấy lại ngừng... Bao nhiêu tiền tôi ăn dụm để dành được, chỉ một trận ốm ấy rủ nhau đi hết. Tôi chưa viết được, lại túng bấn quá nên đành phải viết thư hỏi vay tiền trước của mấy ông chủ báo. Tôi lại ra công viết, nhưng mỗi ngày sức tôi một kém đi. Bệnh đau ruột đã làm cho tôi mất sức mạnh đi rồi, những sự lo buồn vô căn cớ lại làm cho trí óc tôi cằn cọc đi. Bây giờ cái cửa sổ ở căn gác xép của tôi đã để lộ một mảnh trời bạc mờ mờ không đẹp như trước nữa. Tôi hay ngủ. Và mỗi khi ngủ ngày dậy thì tôi lại thấy ê ẩm cả người: đầu rức mắt hoa, tôi có cảm giác bị một bệnh phổi không bao giờ khỏi được. Những lúc ấy gian phòng tôi ở có một vẻ lạnh lẽo, một mùi tanh tưởi. Người ta đã ít nói tới tôi. Tôi hay nghĩ ngợi viển vông - và tôi đã đoán trước cái ngày mai ra thế nào. Ôi là hắc ám, cả ngày mai ấy. Tôi thấy cái trần nhà hình như đổ dần xuống người tôi. Mồ hôi tôi toát ra, tôi giương mắt lên nhìn kỹ thì thấy có hàng trăm trái núi không cây cỏ từ trên mây rơi xuống đầu tôi và đè lấy tôi. Tiếng muỗi vo ve trong gác lúc ấy có vẻ là những tiếng kèn đám ma đi tiễn một danh vọng về chiều. Tôi lấy tay lau vội mồ hôi ở trán và nghĩ: "Ta sẽ chết ngày mai, ở trong một xó xỉnh, chết như một con gián, không có một người nào biết".

Anh ơi, anh đã đọc Le Horla của Guy de Maupassant rồi đấy nhỉ. Có là tôi, có là một người bệnh như tôi, kẻ đọc sách mới có thể biết cái tâm trạng của tác giả đã tả trong cuốn sách xác thực như thế nào. Tôi muốn đốt hết cả. Đốt sách, đốt vở, đốt nhà. May mà trời lại còn cho tôi lại một ít trí khôn nên cái việc càn rỡ mà tôi nghĩ đó, tôi không bao giờ làm cả. Tôi chỉ vội vàng mặc áo, đi không đóng cửa, đi đến chỗ nào cũng được, miễn là có sự hoạt động để mình lại biết với mình rằng: "Ta còn sống đây, chưa chết!".

Phải, tôi chưa chết anh ạ, nhưng kể từ khi ấy tôi biết là tôi đã thua rồi. Nàng phù dung hay hiện thành mỹ nữ khỏa thân để quyến rũ ta trong những giấc mơ đen đã thắng và sẽ không bao giờ tha tôi nữa. Tôi gục xuống ở dưới chân nàng và tôi thấy bao nhiêu lò xo ở trong thân thể tôi đã gãy. Nhưng dù sao, người ta cũng phải sống... Bởi vì tôi vẫn còn tin - chao ôi, cái tin ấy là cái tin của người mắc bệnh phổi đến thời kỳ thứ ba vẫn còn tin rằng mình khỏi, cái tin của một người đàn bà đã hết thời xuân sắc vẫn còn tin rằng mình bóp được những trái tim của những chàng trai trẻ tuổi.

Đến đây, tôi phải xin thú nhận với anh một tội, một tội làm cho tôi đau đớn, lúc nào cũng như đè lên linh hồn. Có lẽ đó là một sự xấu hổ lớn nhất trong đời nghệ sĩ của tôi. Những đêm khuya nằm cuộn tròn trong chăn, tay cái dọc tẩu, tay cái tiêm lăn điếu thuốc để cho vào nhĩ tẩu, tôi thấy buồn một cái buồn thấm thía não nùng. Tôi thương cha mẹ tôi và các em tôi, tôi thương tôi và tưởng tượng mình là một người thiệt thòi nhất, không được Thượng Đế đền bù gì cho cả. Những lúc ấy, tôi không dám thù hằn ai hết; tôi không thù những ông chủ báo hay những ông chủ xuất bản như những bạn đồng nghiệp tôi đã thù; tôi không thù Trời là đấng tối cao tối đại lúc nào cũng thương xót chúng nhân. Sự xấu hổ nhất đời của tôi là đây: tôi thù cái nghiệp văn chương báo chí và tôi thấy lợm giọng vì nghề đó có những lúc đến với tôi ghê tởm quá. Tôi nói thế mà thôi, chứ thực ra tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể ghét nghề văn như thế - nghề văn, ôi! Cái nghề cao quý đã đưa tôi đến nghề báo để cho nghề báo hại tôi đến thế này, nhưng dù sao cũng là một nghề mà tôi đã hy sinh cả thân thể và có khi cả tiền bạc, một nghề mà từ năm hai mươi tuổi tôi coi như một vị nữ thần, một mối an ủi, một sự che chở vậy.

Từ đó, tôi kéo lê cuộc đời của tôi hết tiệm này sang tiệm khác. Tôi ngủ đêm ở những nơi ca viện đến khi mọi người đi làm sáng về rồi tôi mới dậy. Tôi nằm nhắm mắt như một cái xác chết ở trong những cái buồng bẩn thỉu, cứ mỗi khi bồi tiêm, tiêm xong một điếu lại xoay dọc khi đập vào người tôi đánh thức tôi dậy cho tôi hút. Thuốc phiện không còn là một cái thích nữa đối với tôi; tôi càng hút say lại càng buồn; những khi say đến cùng độ, tôi thường gắt gỏng với mọi người trong tiệm.

Chao ôi, những chuyện xa gần của hiện tại và dĩ vãng đã vò xé lòng tôi; tôi khóc cha mẹ tôi và em tôi, tôi không muốn nghe một người nào nói chuyện ở bên tai tôi cả. Nhất là chuyện văn chương, chuyện báo chí thì tôi lại thấy kinh tởm đến vô cùng.

Tôi không đọc một quyển sách, tôi không xem một tờ báo. Mực đối với tôi có một mùi nồng như một mùi thuốc tím ở nhà thương. Tôi ít nhất phải nghe thấy ai nói "Cái tờ ấy mới viết mà đã làm cho mọi người chú ý" hay "Nghệ thuật của ông nọ tinh vi lắm, làng văn hiện đại có thể kể làm một hy vọng được".

Anh ơi, anh thử nhắm mắt lại mà tưởng tượng xem tôi thế nào. Anh không thể tưởng tượng được, vì anh có là tôi đâu mà biết được sự đau khổ của một kẻ chỉ sống vì văn chương cùng cán bút mà đột nhiên lại sợ cán bút không dám cầm, thù ghét văn chương đến nỗi không dám nói.

Cũng may, cái bệnh ấy tôi chỉ mắc phải có ít lâu thì khỏi. Đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu nó đã khỏi bằng cách gì; chỉ biết rằng đến mùa xuân năm ấy tôi tự nhiên thấy có can đảm cầm lấy bút viết một bài xã luận cho một tờ báo văn chương, chính trị.

Bài ấy đối với dư luận ra thế nào, tôi không rõ. Riêng tôi, tôi thấy rằng lúc cầm bút viết, tôi có vẻ một người đàn bà môi đã thôi đỏ, răng đã thôi bóng mà má thì răn, mà mắt thì mờ, một buổi sáng hiền lành ngồi giở gương ra điểm phấn thoa son lại. Những nét răn trên má và ở đuôi mắt, son phấn không thể che đậy được. Nhưng dù sao cái nhan sắc thuở xưa vẫn còn ở đầu mắt cuối mày: mùa đông dù u tối đen buồn đến đâu cũng không thể che lấp hết những cái đẹp não nùng đậu ở trên ngọn nước hay cành cây của một mùa thu êm ái.

Cái danh vọng của tôi có thể cứ như thế kéo dài ra thêm chút nữa nếu không có việc này xảy ra:

Một ngọn gió mới từ phương xa thổi lại, bứt hết cả những cái lá đau ngực của cây văn chương buổi cũ. Người ta cải cách hết: cải cách từ tư tưởng cho đến cả giọng văn; người ta cải cách lối viết đến cách trình bày ý nghĩ. Thiên hạ trọng những người trẻ có bầu máu nóng, độc giả ưa những chuyện hợp với tình trạng mới của xã hội nước nhà. Tôi không theo kịp được nữa rồi bởi vì tôi đã đứng im lâu quá, hay là tôi không biết chiều theo thị hiếu của quốc dân bạn đọc? Đã đành là muốn được nổi tiếng bây giờ, người ta phải có cơ quan dư luận trong tay, người ta phải quảng cáo, người ta cần làm ầm ĩ... Anh ơi, anh quý của tôi ơi, bạn anh đã đến, nhưng đã đến một cách im lặng quá. Y không có cơ quan dư luận nào trong tay cả, bởi vì bao nhiêu chủ báo đã bỏ y rồi; y bắt chước những bực tiền bối chỉ trông vào ở sức mình, ở tài mình mà thôi. Một nhà xuất bản mới ra in một cuốn sách của y vừa soạn. Không có một nhà phê bình nào nói đến. Y tặng họ một cuốn. Y bị người ta viết một bài chê bai. Cuốn sách ấy ế, độc giả viết thư về trách. "Thế rồi thì là hết. Như lời nhạc sĩ Ludovic Breitner đã nói, cái vòng thắt chặt lại, không thương xót".

Đến hôm nay thì tôi biết hết, không còn lầm lẫn nữa. Quốc dân không còn nhớ đến tên tôi. Những nhà xuất bản mở cửa mời những ông văn sĩ mới. Còn tôi, tôi, một nhà báo kiêm nhà văn đã già rồi, đã gãy nát rồi, còn ai nhớ tưởng làm gì nữa? Tôi không có ích cho một tờ báo xoàng xoàng; văn tôi không có nhựa nữa; đầu đề những bài báo của tôi không bịp bợm nữa. Tôi là một anh nhà văn đau ốm và mất hết can đảm: danh vọng tôi đã về chiều rồi còn đâu! Tuy thế, lúc nào tôi cũng vẫn tin tưởng rằng văn tôi nếu không hoàn toàn có ích hẳn thì cũng không có hại cho người đọc. Tôi biết cái ý nghĩa cao cả của văn chương và tôi còn như thấy hàng vạn độc giả cả nam lẫn nữ say sưa đọc tôi, mê tôi và còn như đang uống linh hồn tôi trên những trang sách, bài báo của tôi đã viết. Có ai lại dám nghĩ rằng bao nhiêu những người đọc sách báo bây giờ lại cho lễ nghĩa và lẽ phải là những thức không cần dùng đến nữa.

Tôi đã biết những tiếng hoan hô chúc tụng và bây giờ tôi cô độc. Tôi đã sống một thời rực rỡ mỗi ngày có hàng chục người muốn xem mặt và tiếp chuyện; tôi đã làm cho một tờ tuần báo đứng vững cho đến bây giờ và có một thế lực vô song chỉ vì tôi đã ưng thuận ký tên vào một thiên mạo hiểm phiêu lưu tiểu thuyết... Vậy mà bây giờ tôi đói cơm đói thuốc, đành chôn sống thân mình ở ngoại ô, trong một túp lều tối tăm rầu rĩ không được mặt trời soi đến... Tất cả lờ lãi của cuộc đời hỉ xả của tôi đến bây giờ rút lại chỉ còn lại một cái bàn đèn thuốc phiện và mấy chồng báo nát. Còn đến tiền thì tuyệt nhiên không có đồng nào; ăn bữa sớm lo bữa mai, một đứa ở cũng không có để sai đi mua thuốc.

Tôi nằm chôn ở đây đợi một cái gì không đến. Tôi đợi một sự may mắn xui cho tôi có ít tiền để tôi cai thuốc phiện đi, tôi sẽ cố sức, một lần chót, viết một tác phẩm cuối cùng, một tác phẩm mà tôi chắc sẽ hơn hết cả một trăm cuốn sách tôi đã viết, có lẽ hơn hết cả những tác phẩm được hoan nghênh nhất bây giờ.

Nhưng có lẽ đó chỉ là một huyễn mộng của một người không may trên đời.

Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, tôi sẽ chết. Tôi chắc lúc chết mặt tôi sẽ dữ tợn lắm, cho nên tôi không muốn anh nhìn tôi làm gì... Tôi sẽ "đi" một mình, không có ai vuốt mắt cho cả, nhưng tôi sẽ sung sướng vì tôi tin rằng đời này là tạm bợ, những người muốn thực tâm làm được sự nghiệp to tát cần phải chịu sự thử thách kiếp này để đắc thắng kiếp sau.



Tiểu thuyết thứ bảy,
số 404, 405, 406, tháng ba, 1942
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment