Khi Mỹ phải cắt giảm ngân sách quân sự và đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới trên toàn cầu, Mỹ cần các đối tác mạnh mẽ, đặc biệt ở châu Á, nơi TQ thường xuyên xâm nhập đe dọa hiện trạng các vùng biển.
Do đó Mỹ nên kết thúc lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Làm thế không chỉ tăng cường sức mạnh cho Việt Nam mà còn kéo Việt Nam về phía Mỹ.
Năm 1984, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam tới năm 2007, chính quyền tổng thống George Bush đã nới lỏng lệnh cấm, cho phép xuất khẩu một số mặt hàng quốc phòng không sát thương sang Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình an ninh đang thay đổi, đòi hỏi Mỹ xem xét lại lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam.
Mỹ đang cắt giảm ngân sách quân sự, lại vừa bị kéo vào các cuộc xung đột mới ở Trung Đông và Đông Âu, nên cần phải có đối tác đủ mạnh đối phó với sự trỗi dậy ngày càng ghê gớm của TQ.
TQ trở thành mối đe dọa ngày càng tăng, với ngân sách quân sự lớn thứ nhì thế giới, gần như vượt qua tổng ngân sách quốc phòng 24 nước ở Đông Á và Nam Á cộng lại.
TQ sử dụng nguồn ngân sách này để trang bị một kho vũ khí ấn tượng và ngăn cản Mỹ tiếp cận vùng trời và vùng biển xung quanh.
Tự tin vào sức mạnh quân sự của mình và cho rằng Mỹ khó có khả năng can thiệp, TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và Hoa Đông.
Hành động của TQ đối với Việt Nam ở Biển Đông - nơi có nhiều nước đang tranh chấp và là một trong các tuyến hàng hải quan trọng cùng nguồn hải sản dồi dào cùng tài nguyên dầu khí phong phú - trong năm nay đã cho thấy rõ điều này.
Tháng 1.2014, TQ buộc các tàu nước ngoài phải làm đơn xin đánh bắt cá trong phạm vi 90% diện tích Biển Đông trong đường lưỡi bò mà họ tuyên bố chủ quyền.
Từ ngày 2.5 đến 15.7, TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế công nhận. Trong thời gian đó, lực lượng tàu hộ tống TQ gồm cả tàu quân sự liên tục đâm va, cản trở tàu cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật, thậm chí đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Tháng trước, TQ ngang nhiên công bố kế hoạch xây dựng trái phép 5 ngọn hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Và tuần trước, Việt Nam phản đối TQ quấy rối tàu đánh cá và đánh đập ngư dân Việt Nam đánh bắt hợp pháp ở Hoàng Sa.
Việt Nam có thể là một lực lượng mạnh mẽ cân bằng ảnh hưởng, chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việt Nam có dân số lớn hạng 13 thế giới (gần 100 triệu dân) và lực lượng thực hiện nghĩa vụ quân sự lớn hạng 11, cộng thêm việc Việt Nam tự đánh giá có thể trở thành nền kinh tế hạng 17 thế giới từ năm 2025.
Vì thế, nguồn cung hàng hóa cho thế giới cùng lực lượng lao động của Việt Nam giúp họ trở thành một điểm thu hút giới đầu tư nước ngoài đang muốn rút khỏi TQ.
Mặt khác, vị trí của Việt Nam có giá trị đáng kể về chiến lược: Việt Nam chung 800 dặm biên giới với TQ và giáp TQ ở Biển Đông. Trên hết, Việt Nam rất kiên cường, đội tàu nhỏ hơn, kém mạnh hơn của họ vẫn hoạt động gần giàn khoan Haiyang Shiyou 981 suốt 75 ngày căng thẳng.
Khi Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam, hợp tác quân sự Mỹ - Việt sẽ gia tăng. Ví dụ Mỹ sẽ huấn luyện quân đội Việt Nam sử dụng các thiết bị và có khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam để vận hành số thiết bị này.
Trên hết, quân đội Việt Nam có thể hoạt động quốc tế với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Hợp tác, xây dựng trên những động lực này, Việt Nam có thể thực hiện các cuộc tập trận với Mỹ hoặc với các đối tác, cũng như tạo điều kiện cho tàu chiến Mỹ tăng cường các chuyến thăm (thay vì mỗi năm một lần như hiện nay) và tiếp cận căn cứ quân sự của Việt Nam, như đã có những cuộc trao đổi về vấn đề này, ít nhất từ năm 2012.
+ Về tác giả: Paul J. Leaf: ông phụ trách mảng quốc phòng cho một tổ chức nghiên cứu, là nhà bình luận thường xuyên về chính sách đối ngoại, và là luật sư của một công ty luật quốc tế.
Trần Trí (lược dịch)
0 comments:
Post a Comment