Chuyện của những người phụ nữ.
Đau đứt ruột nhưng không còn cách nào khác, má chồng chị đành kêu bán căn nhà, luôn đất. Nhà từ đường, mỗi thớ gỗ gõ, cẩm, mật, mỗi nét chạm rồng phụng, mai lan cúc trúc, mỗi bức liễn vinh hoa phú quý lễ nghĩa, phước lộc thọ, mỗi đầu cột, mộng ghép, rui mè, bức vách cho tới viên ngói lợp, thẻ gạch lát, từng gốc kiểng già nua ngoài sân, từng bờ mô thập thõm giáp mí sông đều ghi đậm kỷ niệm và dấu ấn lịch sử cả một dòng tộc.
- Xin tổ tiên dòng họ ông bà khuất mày khuất mặt xá tội cho con, phận dâu con không kham đặng bổn phận gìn giữ nơi thờ phụng. Xin ông tha lỗi cho tôi, cho con mình. Còn người còn của...
Má chồng chị sụt sùi van vái, khói nhang nghi ngút trước bàn thờ trong căn chòi nhỏ xíu mới lợp góc thẻo đất cũ chừa lại, để ở tạm mấy bà cháu, cũng là nơi có mồ mả bà con dòng họ. Ba chồng chị trong hình thờ ngó ra, cái nhìn vĩnh viễn trẻ trai đượm buồn khảm khắc với nhập nhòa phiêu linh nhang khói. Thằng Út Lớn hớt hơ hớt hải chạy bổ về:
- Bà nội ơi, má ơi, chị hai ơi... ơi… Người ta dỡ hết nhà mình ra để cất nhà lầu kìa...
Kỷ niệm và lịch sử dòng tộc nhà chồng chị nằm ngổn ngang đắp đống nơi xó vườn. Chạm khắc công phu gỗ dài gỗ ngắn tròn vuông bát giác vô dụng thành củi nấu. Chị đứng bên bờ mương cùng con Thụy, thằng Út Lớn lõ mắt dòm theo những chủ nhân mới đang hô hào chỉ dẫn việc phá dỡ. Chân người giày đạp xéo nát những luống kiểng hoa tàn tạ cuối mùa, mới ngày nào chị còn bỏ công chăm sóc. Mai kia mốt nọ, tường rào bao quanh cát đá đổ xuống biệt thự mới mọc lên tàn tích lưu niên trở về cát bụi. Ước nguyện của mấy má con bà cháu là khi chồng chị trở về, biết đâu gầy dựng lại cơ đồ – biết đâu đủ vàng tiền chuộc lại nơi thờ tự nhang khói – coi như tan vỡ. Họ mạc bên chồng chị chẳng còn ai, đặng trông mong bám víu cậy nhờ. Mà nghĩ cho cùng nếu còn ai, chuyện bán nhà bán đất chắc đã gặp vô vàn trắc trở, vướng víu. Tiền vàng người ta đưa tay má chồng chị cầm chưa nóng, đám chủ nợ ngày đêm quẩn quanh thúc bách rứt rỉa hết nhanh như heo con đang tầm lớn bu rúc cạn sữa vú mẹ. Cầm xấp đơn thưa kiện giờ đây người ta đã đồng ý bãi nại cho thằng con trai duy nhất thừa tự thoát được khỏi vòng lao lý, má ngó xa xôi tư lự thở dài không nói năng gì. Nắng tà đổ xiên hắt trên tóc bà ngậm ngùi từng dề sợi bạc, úa quá nhanh thời gian mấy năm sau này.
Chị dặn dò Thụy, Út Lớn cả tháng trời đủ mọi chuyện nhỏ lớn trong nhà ngoài ngõ, vẫn cảm thấy chưa yên lòng. Đêm trước hôm lên đường, mấy má con bà cháu gần như thức trắng, má tỉ tê ôn hồi ức những chặng đời dài đã trải, còn chị vừa lắng nghe vừa vỗ về Út Nhỏ. Người con gái nhan sắc về làm dâu một gia đình nề nếp nghiêm khuôn có tiếng, tới khi ba má chồng rồi chồng vì bệnh lần lượt qua đời, với bản lĩnh cương cường, bà chèo chống một mình nuôi dạy đứa con trai ăn học nên người, rồi lo dựng vợ gả chồng cho con, sau tiếp lại dang tay bảo bọc dâu, cháu... Má trở mình, vạt giường gỗ lung lơ kêu cót két, bà ho khúc khắc một chặp rồi nghiêm giọng rầy Út Nhỏ:
- Má bây đi kiếm thằng cha bây về đặng đoàn tụ sum vầy, bộ đi luôn sao mà khóc như ai chết.
Út Nhỏ sợ bà nội ráng kềm cơn thổn thức, nhưng vẫn còn nghe hức hức. Chị ôm con vô lòng, hít mùi chua khét thân thuộc trên mái tóc hoe hoe nắng, lòng ngổn ngang trăm mối. Tìm chồng, ở một nơi mà chị quá mơ hồ – theo một địa chỉ hết sức mơ hồ – từ một người có mối quen biết cũng khá mơ hồ, không khác chi mò trăng đáy nước. Nhưng không thể khác, chị phải đi. Má tuổi ngày càng cao, chân chùng gối mỏi như ngọn đèn treo trước gió, chưa biết tắt lúc nào, Thụy con gái lớn của chị đang kỳ trổ mã dậy thì, tâm tánh biến đổi khó dò, Út Lớn là thằng nhỏ rắn mắt, cứng đầu lì câng khó biểu, Út Nhỏ yếu ớt quanh năm suốt tháng quặt quẹo với đủ thứ chứng bệnh. Chồng chị, anh ấy không chỉ cần cho chị mà còn rất cần cho má chị, cho các con chị nữa.
o O o
Xe đò chạy tuyến từ V. lên thành phố chật chội như trong rọ chuột đồng, vì ai nấy đều lủ khủ nhiều bao gói. Đi được một thôi đường, người đàn ông ngồi gần bỗng cục cựa rồi nhích lại ngồi sát vô chị. Bà ngồi bên trong mập lù đã say sưa ngủ, hả miệng vô tư ngáy on ót, không còn chỗ để tránh chị gồng mình chịu trận. Lấn thêm chút nữa bằng cách mon men để tay lên đùi chị, kẻ vô duyên cố sửa một bộ mặt vô tình. Chị gạt phắt bàn tay nhám nhúa. Những chuyện mồi chài qua đường kiểu vầy, chị biết khó lòng mang lại điều gì hay ho tử tế, hơn nữa nói thẳng ra tên đàn ông ham hố kia khiến chị phát gớm. May mắn sao ở chặng xe dừng, bà mập xuống và một bác già lớn tuổi mới lên chen vô giữa chị và gã nham nhở. Xe tới xa cảng miền tây lúc gần trưa, chị tất tưởi đón xe ôm đi tìm mua ngay vé tàu ra Hà Nội...
Chuyến tàu xuyên Việt chị lây lất qua hơn hai ngày trời. Tuy lần đầu đi như vậy nhưng chị chẳng còn bụng dạ nào ngắm cảnh nước non sông biển trải dọc hai bên đường tàu. Loa phát vang vang từng chặp, lời nhắc nhở hành khách cẩn thận giữ gìn tài sản cá nhân. Chị khư khư ôm hai giỏ xách, ngồi phập phồng trên ghế. Trong một giỏ là đồ của chị, còn giỏ kia chị soạn đem theo cho chồng mấy bộ quần áo, hai gói thuốc con ngựa, bịch chà bông, mấy thứ lặt vặt hồi ở nhà anh ưa xài, và cả... thuốc ghẻ, thuốc sốt rét (chốn thâm sơn cùng cốc ai biết anh ra sao). Với lưng vốn kinh nghiệm học hỏi cấp tốc từ mấy người chòm xóm dân buôn chuyến đường dài, với cả hồ lô những lời dặn dò của má, sau một vòng dò xét chị định... đưa tất cả mọi đối tượng xung quanh vào diện nghi vấn. Cửa sổ toa tàu vừa buông lưới vừa chặn kiếng vừa chụp lá sách, nhà tàu e sợ nạn ném đá nhưng quên e sợ nạn gió ngược chiều phả ngộp mùi toa vệ sinh nương theo đà bay tới. Lúc qua đèo Hải Vân, trong bóng tối hù của đường hầm và tiếng bánh xích nghiến sầm sập, chị cảm giác đoàn tàu chẳng khác gì mình: có đường ray thì cứ hết sức lao đi, rốt cuộc cũng phải có cái đích để mà tới. Nhớ nhung sầu muộn khắc khoải mấy năm trời, từ lúc ổ hụi bể ra, hụi lớn hụi nhỏ chết chùm, chủ hụi con hụi ngắc ngoải theo, anh đi biền biệt như bóng chim tăm cá. Giận mà thương, bụng ráng nghĩ lời châm chế. Thuở có tiền với thiên hạ, anh không xênh xang không vung tay quá trán không bê trễ nhà cửa vợ con mẹ già. Sai lầm ở chỗ anh đem trứng giao lầm cho ác: kẻ ở chợ kêu mời đầu tư hứa hẹn lãi suất béo bở, dụng công ẵm trọn ổ cao bay xa chạy để nợ nần, tai họa anh gánh hết. Gánh không nổi, anh xoay đường dứt áo, má và chị biết nhưng bưng mặt làm ngơ không dám giữ, đã có kẻ thế cùng dằn mặt anh đòi giết. Của đổ hốt lại, áp lực của các chủ nợ siết oằn những đôi vai mũi dại lái cực thân rước lấy. Vậy mà trả xong được nợ, chuyện đầu tiên má và chị đồng lòng nghĩ tới là lục kiếm ngay mảnh giấy người quen sơ ghi vu vơ một dòng địa chỉ...
Cứ như vậy, một hành trình mệt mỏi chị hạn chế ở mức thấp nhứt sự giao du, để khi tới ga Hà Nội, không có ai chung toa phải bận tâm hỏi han chị đi đâu về đâu gặp ai nhằm mục đích gì. Nhắm mắt bịt tai để thoát khỏi hàng tá đổ xô những lời xe ôm xích lô xe khách taxi mời chào níu kéo, nhà trọ gần ga hạng rẻ tiền nhất, miễn có chỗ tắm táp thay đồ và bữa cơm bình dân vỉa hè nấu kiểu miền Bắc – hơi khó ăn nhưng đủ no – là tất cả những gì chị tự cho phép mình được phép tiêu xài hoang phí ở đất ngàn năm văn hiến. Chị đi bộ lang thang qua những con đường bàn cờ chằng chịt dọc ngang, ngắm nghía phố phường. Hà Nội đẹp đẽ thanh thản thâm nghiêm, với rất nhiều hồ rất nhiều những hàng cây xanh rợp bóng, nhưng lòng chị không bình yên không thảnh thơi để chiêm nghiệm cho hết vẻ đẹp đó.
Tàu Hà Nội – Lào Cai khởi hành lúc 10h đêm và chị mua vé nằm tầng 3, một sự xa xỉ đành phải bấm bụng do không ngồi nổi nữa. Nằm như một con cá mòi ép hộp, mồ hôi đổ ròng ròng dù chiếc quạt gắn trên trần toa nỗ lực quay và nỗ lực kêu ra rả suốt đêm. Giường tầng 3 đối diện là một phụ nữ trẻ da rám nắng, là chủ nhân của ba bao hàng lớn nhét trong khoang hành lý. Cô quệt mồ hôi móc hai ngàn đồng nhoài người xuống mua của bọn nhóc bán hàng rong hai cái quạt giấy, rồi rất tự nhiên đưa cho chị một cái. Bốn hành khách còn lại của khoang đều là người nước ngoài ba nam một nữ dềnh dàng, người thì râu rìa, xăm hình quằn quện xanh đỏ trên khắp cả cánh tay, người tóc quắn, tai đeo hai cọng to như hai nút chai lỗ mũi xỏ khoen, người mắt kiếng dày cộp chúi mũi đọc cuốn sách cũng không kém phần dày cộp dưới ánh đèn trần chớp nhá, người tóc vàng óng ả cột cao lộ gáy nói lách chách không dứt. "Cold beer", "cold water", "paper fan", "chewing-gum, please"..., bọn nhóc hàng rong líu lo dẻo quẹo tiếng ngoại quốc chào mời; trong khi người nhà tàu tới lui tất bật nhắc đi nhắc lại nhiều lần về nạn chôm chỉa móc túi, nhưng chỉ dùng được tiếng bản xứ – khiến các vị khách Tây ngóng cổ ngơ ngác.
- Chị uống nước không?
Cô gái giường đối diện mời chị, lòng cảnh giác cao độ khiến chị dù khát vẫn kiên quyết lắc. Cô gái cười uống ực một hơi hết nửa chai Lavie tái chế, đóng nắp lại cất, rồi xoay xở đổi tư thế nằm. Tay phe phẩy quạt giấy.
- Chị đi du lịch à?
Bộ ngó chị thảnh thơi đài các giống dân du lịch lắm sao, chị lắc nữa. Cô ta quan sát chị, miệng vẫn cười:
- Em là dân Sapa, nhưng không ở thị xã mà ở dưới bản. Em về Hà Nội bổ hàng lên bán. Còn chị?
Thoáng trong đầu chị chút toan tính nhờ cậy, cô ta là dân buôn tại chỗ ắt rành rẽ... Liệu đây có phải là một vụ làm quen thông thường dẫn tới một... trò lừa đảo? Cô ta có biết chị chẳng hề là một con mồi béo bở?
- Tôi đi tìm nhà một... người bà con...
- Người họ hàng của chị ở đâu? Tên gì?
Cô gái vồn vã, như thể cô ta quá nhiệt tình muốn giúp đỡ. Chị trái lại rụt rè hẳn đi như con ốc muốn thụt ngay vô vỏ, không nói tên chồng mình, chị lục tờ giấy trong túi đưa ra cái địa chỉ mơ hồ. Chị thấy sợ không muốn trò chuyện với cô ta nữa, chỉ muốn câu chuyện ngay tại đây chấm dứt. Nhưng cô ta đã reo lên:
- Ồ, hay quá. Chỗ người quen của chị hóa ra gần nhà em, vậy là kể như hai chị em mình đi cùng đường đấy.
Nghe vậy chị vui, sau đó lo. Ai biết những sự tình cờ kiểu đó có thể xảy ra ngẫu nhiên trong đời dễ dàng tới mức vậy không. Bỗng có tiếng xôn xao ở toa kế bên, càng lúc càng ồn ào hơn làm chị phải nảy tò mò trèo xuống thò cổ ra ngó. Hoá ra một vụ mất đồ. Mất sạch. Giữa khổ chủ Tây ba lô vừa phá sản trong tích tắc và anh công an đường sắt nghiêm nghị mặc cảnh phục vàng là cậu nhỏ bán “Ice-Tea” đang hăng hái đảm trách việc chuyển ngữ.
- Những cảnh như thế này làm xấu những chuyến tàu chở khách lên du lịch Sapa. Tội cho ông Tây quá.
Cô gái giường đối diện nói giọng cảm thán.
Khoảng sáu giờ sáng chị giật mình tỉnh dậy. Hoá ra vì mệt, chị đã thiếp ngủ được kha khá. Dây đeo hai giỏ xách vẫn còn quấn nguyên ngang mình chị. Cô gái có vẻ đã dậy từ lâu. Không ngờ chỉ với ngoại ngữ bập bẹ và tiếng “tay”, cô đã thuyết phục được bốn vị khách nước ngoài khác nhau như mặt trời mặt trăng đồng lòng quyên góp sự hảo tâm cho quý ông hành khách xấu số mất cắp ở khoang xe kế. Chị lần tay lấy món tiền được lận kỹ trong túi nhỏ lưng quần, trích một phần tham gia vô cuộc đóng góp. Nghe cô nói mới biết hoá ra cô làm nghề dạy học, giáo viên tình nguyện vùng sâu. Chị khó hiểu liếc qua những bao hàng to kềnh của cô – vẫn đang nằm sấp lớp trong khoang hành lý.
Tám giờ sáng tàu tới Lào Cai. Sau khi ăn sáng vội vàng món "cốn sủi" lạ miệng ngay cổng ga, chị theo cô sang bến lên xe tốc hành. Trên xe vẫn người Tây nhiều hơn người Việt, rõ ràng Sapa như một loại nam châm du lịch hút mãnh liệt khách ngoại quốc. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau xe đã tới nơi, thành phố hây hây lạnh xanh rờn thông kim, nhấp nhô nhà giữa những đường dốc lên dốc xuống. Dù sao chị không cảm thấy bơ vơ khi có được một người đồng hành am hiểu – mà chị bắt đầu thấy hơi tin cậy. Nhà cất ngẫu hứng, cửa hàng cửa hiệu, phòng trọ hotel, dịch vụ du lịch... bóng lộn cửa kiếng khắp nơi, tiếng Anh tiếng Pháp rành rọt từ cái bảng hiệu tới tấm thực đơn – phục vụ tận tình khách tóc hoe mắt xanh da trắng. Người H’Mông đi thành từng tốp, vai đeo gùi miệng đon đả ngọng nghịu chào bán những kèn môi, những khăn thổ cẩm thêu tay, những áo những mũ hoa văn sặc sỡ. Phụ nữ người Dao da nâu đậm trán cao mắt một mí đội khăn đỏ có tua, trên mình lủng lẳng nhiều trang sức bằng bạc pha nhôm xủng xoảng nặng trĩu. Ngơ ngác giữa đường một thiếu nữ người Giáy mang ô, áo váy rực rỡ dưới nắng. Cô gái nhẹ nhàng hỏi chị:
- Chị mệt lắm không? Cần nghỉ hay đủ sức đi tiếp?
- Còn xa không vậy cô?
- Quãng hơn bảy chục cây.
- Chà... xa dữ! Hổng ấy... thôi kệ, đi luôn. – Chị tặc lưỡi.
Hai chiếc Minsk trờ tới. Bao gói kềnh càng được cột ràng cẩn thận vô phía đuôi và hai bên sườn xe, nên người ngồi trên nệm sau hai chân phải khòng ra. Đường dốc xuống, đa phần xe thả tự do không cần nổ máy. Sapa tuyệt vời, dù mệt mỏi chị vẫn phải thầm thốt lên. Ruộng bậc thang như những mảng màu xanh non, xanh đậm và vàng mơ xếp lớp, ngon lành tựa những miếng bánh. Từng khoảng đồi núi nối tiếp nhau vầu, tre, nứa, pơ-mu, giàn su su mướt ngợp, bắp vừa thu hoạch xong lá khô đỏ... chập chùng xen kẽ. Phan-xi-păng hùng vĩ ngập ngừng ẩn hiện trong sương giăng. Dưới lòng thung một con suối ngổn ngang đá cuội chảy vắt qua những cụm bản làng. Đường dốc quanh co ngoằn ngoèo càng đi càng thay đổi, người đi lại trên đường càng thưa thớt. Những đoạn ổ gà hay đất trượt xe ủi bánh xích càn nham nhở, xe lồng lên như ngựa buộc chị phải bám chặt lấy cậu lái xe. Nệm mềm đã bị xẹp nên càng ngồi càng ê ẩm bàn toạ. Thêm phần hai chân không được thoải mái. Chịu hết nổi, chị nói với mọi người ghé lại nghỉ chân rìa đường một quán nước phía sau ngó xuống thung lũng. Một nhà người Mông trống hơ trống hoác bốn bề gió, phên vách đơn sơ, ngoài cái chõng tre chẳng có của cải đồ đạc gì, đứa con ở truồng mặt tèm lem chạy rông, người cha bán hàng tiếng Kinh chưa sõi. Vậy nhưng nơi ô cửa sổ xộc xệch thấy bày xôm tụ đủ loại giải khát lên men, lên ga lẫn lên cơn của một nền văn minh đóng gói...
- Nhà em cũng mở quán, nhưng bán nhiều thứ hơn. Xa xôi thế chứ Tây ba lô cũng lần tìm đến tận nơi.
Cô giáo vui vẻ khoe, lục lấy chai nước suối pha cho chị một viên C sủi bọt uống cho mau lại sức (giờ thì chị uống mà không e ngại nữa). Chị hỏi dò:
- Cô vậy chắc không phải là dân ở đây?
- Em người Hà Nam, lên đây cũng được gần mười năm, dạy tiểu học. Lấy chồng mới ba năm nay được một cháu trai. Vợ chồng em đã quyết định ở lại lập nghiệp luôn không về dưới xuôi nữa, chị ạ. – Cô sởi lởi không hề giấu diếm.
Cô giáo dưới xuôi lên vùng cao dạy học vậy là đâu phải chỉ biết mộng mơ, thẫn thờ, lãng đãng. Cô giáo này ở lâu quen người quen xứ, coi bộ lanh lợi hoạt bát, dạn dĩ, thực tế lại thức thời. Nghĩ cho cùng, nếu có bán buôn lương thiện đắp đổi thêm ngoài giờ dạy học cũng chẳng có gì là sai, là xấu. Như đọc được những ý nghĩ trong đầu chị, cô giáo nói:
- Ở đâu cần đến mình nhất, ở đâu mình có thể sống hữu ích nhất thì nên tính chuyện gắn bó dài lâu, phải không chị.
Đỡ mệt, hai chiếc Minsk lại lên đường. Cô giáo đã cẩn thận xếp áo mưa dày lót nệm xe cho chị, nên ngồi bớt ê ẩm hơn. Nắng quá trưa tỏa hơi nóng. Một vài chỗ thác đổ từ núi xuống chảy tràn lan mặt đường, xe chạy qua văng lên chân vệt nước mát lạnh. Có lúc cặp mé đường một tảng đồi bị xắn ngang lộ ra đỏ au màu đất bazan, lúc khác một mảng núi đá cẩm thạch cháy đen. Đôi má cô giáo đỏ bừng dưới nắng, khuôn mặt cô với nụ cười tươi tắn ngó duyên ưa. Thêm phần chị đã mến.
Hết đoạn đường đi được bằng xe.
- Ta phải đi bộ tiếp chị ạ, hơi vất vả một tí.
Hai chiếc Minsk quay đầu trở lên. Chị đứng bên đường coi chừng những bao hàng, cô giáo thoăn thoắt leo xuống dốc tới chỗ cầu treo bắc qua suối nơi có vài thanh niên người Dao đang lom khom rửa ráy. Khi cô trở lên, ba trong số những thanh niên đó lên theo. Họ vác những bao hàng nặng trên vai, vậy mà bươn đi trước phăm phăm. Rảnh tay, cô giáo xách phụ chị một trong hai cái giỏ. Đường dốc xuống rồi lại dốc lên, có khúc trơn trợt, có khúc phân trâu bò rải rớt ven bờ cỏ thành vệt nồng nồng, nhiều chặng lổn ngổn đá, oải rã người vì chị vốn đã mệt sẵn. Sẩm tối mới tới bản làng nơi có trường học và nhà cô giáo. Sương đã xuống bảng lảng vây bọc những căn nhà, dịu dàng choàng quanh đỉnh non xanh một tấm khăn voan trắng xám nhẹ nhõm. Cô giáo ngó chị, vẻ ái ngại nói:
- Hay chị về nhà em ở một đêm, tắm rửa ăn uống nghỉ ngơi cho lại sức, sáng mai em sẽ đưa chị đến tận nơi mà chị cần tìm. Cũng gần, chỉ cách đây có vài tiếng đồng hồ đi bộ thôi.
Chị làm sao có thể từ chối lời mời mọc ân cần đó, chị rã rời từng khớp xương. Nhà cô giáo cất cùng kiểu với những nhà trong bản, xinh xắn gọn gàng. Phía trái là quầy hàng tấm phên nứa dựng lên bằng hai cây chống, kệ gỗ bày biện đủ thứ coi vui mắt. Mấy bộ bàn ghế thấp kê lỏng chỏng nơi thềm ba đắp đất.
- Ban ngày đám học trò của em và người trong bản rất thích loanh quanh tha thẩn ở đây.
Cô giáo nói, rồi gọi lớn giọng trìu mến:
- Anh ơi anh, biết em về không ra đón em sao?! Thằng cu ngủ chưa anh? Nhà mình có khách đây...
Chị tò mò ngước lên, người đàn ông từ trong nhà hối hả chạy ra miệng nở rộng một nụ cười, hỏi âu yếm:
- Em về rồi đó à...
Khuôn mặt yêu thương, dáng dấp mong nhớ thân quen, từng đường nét chị đã thuộc lòng tới tận chi tiết nhỏ... Chưa nghe rõ anh nói gì, chỉ vừa chạm mặt chị phát choáng váng, tay chân chới với, mọi suy nghĩ chừng như đông cứng. Người đàn ông cũng đứng ngay người lúc vừa chạm ánh nhìn chị.
- Vào nhà đi chị, chị cẩn thận đấy kẻo vấp cái bậc cửa hơi cao... Anh bắc hộ em ấm nước nóng, để khách của em tắm nhé...
Cô giáo vồn vã ân cần. Chị ngáp như cá mắc cạn, đi giống kẻ mắc bệnh mộng du. Dù đã được cảnh báo chị vẫn vấp cái bậc cửa bằng gỗ té ập xuống trên nền đất nện. Đầu chị đụng trúng một trong số những bao hàng đang được mở tung ra dở dang, trong đó có những lon cô-ca, bia, "bò húc", nước yến, phô-mai, thuốc lá, dép nhựa, đèn pin, bánh kẹo, đèn cầy, lẫn với tập vở, thước viết, phấn bảng, đồ chơi con nít... Cô giáo vực đỡ chị dậy, xuýt xoa lo lắng. Chồng chị vẫn còn đứng chết trân đó. Đột ngột, từ trong nhà lẫm đẫm chạy ra một nhóc trai rắn rỏi da ngăm độ khoảng hơn hai tuổi la ầm lên “mẹ, mẹ...” với một giọng mừng rỡ. Dù đang choáng váng nhưng dưới ánh sáng bóng đèn tròn vàng vọt chị vẫn phải nhận rằng, trời ơi thằng nhỏ sao mà giống Thụy, Út Lớn, Út Nhỏ của chị y như trút ra cùng một khuôn đúc.
Ông bà xưa nói hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai, sao với chị cơn bĩ cực qua, chị lại lâm ngay vô cảnh ngộ tấn thối lưỡng nan không biết đâu là đường thoát. Chập chờn hoang mang ký ức gần: quang cảnh ngổn ngang người ta tháo dỡ căn nhà từ đường dòng tộc anh, rui mè kèo cột tường vách mái ngói xiêu đổ ngổn ngang, ánh nhìn tức tưởi những đứa con, mái tóc mẹ già bạc úa... Sương như từ ngoài dốc tối kéo ùa vô đặc quánh giăng ngang, mờ nhòa mắt chị...
Chuyện của người đàn ông.
Người đàn bà mà vợ tôi hồ hởi giới thiệu là khách của cô ấy bỗng bất ngờ ngã quỵ ngay trước mặt tôi. Cái nhìn xoáy thẳng kỳ lạ như thể trách oán của chị, khiến tôi đâm nổi gai ốc khắp người. Khi vợ tôi đỡ chị lên, cu May từ trong nhà mừng rỡ chạy ra gọi mẹ ầm ĩ, chị quay lại và ngay lập tức ánh mắt trở nên xót xa trân trối chiếu thẳng vào thằng bé. Chúng tôi cứ đứng mãi như thế cho đến khi vợ tôi lay chị ta:
- Kìa chị... Chị làm sao thế?
- Không... chỉ tại...
Giọng người miền Nam, hình như thuộc miền Tây Nam bộ. Tôi cố lấy giọng niềm nở:
- Mời chị vào nhà chơi. Để tôi đi bắc ấm nước...
- A... anh... là... là người... – Chị ta lắp bắp.
- Chị quen chồng em à? – Vợ tôi hỏi dồn.
Chị ta không đáp thở dài. Đầu gục gặc chẳng ra gật cũng không ra lắc. Cái nhìn vẫn dán vào tôi, lại đảo qua thằng bé. Trẻ con vốn nhạy cảm, cu May sà vào lòng mẹ ôm cứng mắt nhìn ra người lạ vẻ sợ sệt, không thích.
Vợ tôi tế nhị không gạn hỏi nữa, xăng xái chỉ chỗ cho chị để đồ đạc, sau đó chuẩn bị các thứ để chị tắm. Chúng tôi có sẵn một chiếc giường vẫn để dành cho khách, và trong khi chị ngả lưng nghỉ ngơi đôi chút sau chặng hành trình có lẽ vất vả thì vợ tôi và tôi tranh thủ làm cơm.
Bữa cơm diễn ra sau đó có phần sường sượng. Thật ra vợ tôi luôn cố ý phá tan bầu không khí khó chịu bằng vài câu chuyện nhỏ hoặc mấy câu bông đùa, song chị ta ít nói quá (trừ vài câu khen về thức ăn ngon và lạ). Tôi vốn vụng về nên cũng không biết phải làm gì, nói gì. Cu con thì loay hoay làm nũng mẹ cho thỏa cơn nhớ, đôi lúc lấm lét e dè liếc sang vị khách. Rõ ràng chị ấy có điều lấn cấn. Khi vợ tôi hỏi tôi về chuyện nhà, chuyện làng bản, chuyện mấy đứa học trò người Dao của cô ấy thời gian cô đi vắng, tôi trả lời. Chị khách có vẻ chăm chú lắng nghe tợn. Nhưng tôi có cảm giác kỳ quặc là chị không nghe nội dung câu chuyện, mà chú tâm nghe lời lẽ, nghe giọng tôi nói. Rồi chị hỏi:
- Anh... là người ở đâu?
- Tôi ở Hà Nội chị ạ. – Tôi đáp.
- Tôi hỏi hơi... "xía" vô chuyện riêng một chút, mong anh hổng phiền. Làm sao hai người... ý tôi nói là hai vợ chồng anh lại quen và lấy được nhau?
- Em "bắt cóc" anh ấy đấy chị ơi! – Vợ tôi cười giòn trả lời thay tôi. Cô ấy vốn rất hồn nhiên.
Tôi biết vợ tôi hơn bốn năm trước, lúc đang hành nghề... xe ôm. Dạo ấy là mùa hè, cô ấy về quê thăm nhà xong, tranh thủ ghé ra Hà Nội chơi. Tôi cảm mến ngay người con gái xinh xắn rắn rỏi có giọng cười giòn tan, tính tình sởi lởi ân cần hay giúp đỡ người khác. Nhưng tôi mặc cảm thân phận mình, dù sao tôi cũng đã cứng tuổi, từng có một đời vợ, có con cái, bản thân lại đang nợ nần tứ giăng chưa trả hết. Số phận đưa đẩy sau đấy tôi gặp lại cô gái đáng yêu kia thêm lần nữa – khi đang chở thuê hàng văn phòng phẩm cho một cửa hàng, còn cô ấy thì đi mua sách vở cho học sinh của mình chuẩn bị vào năm học mới. Nếu nói tôi là thằng đàn ông bản lĩnh (vì đã vượt qua rất nhiều mặc cảm về mình lẫn những định kiến về đàn bà) để theo đuổi được đến cùng người mình yêu thì không thể không nhắc đến những thiện chí của cô ấy đã tạo cho tôi các cơ hội. Sau một năm quen biết tôi ngỏ lời, cô ấy đồng ý và chúng tôi lấy nhau. Lấy tôi cô ấy phải chịu nhiều thiệt thòi. Tôi cần tiền để mỗi tháng chu cấp cho các con, cần tiền để thanh toán những món nợ. Tôi không giấu diếm quá khứ của mình với cô ấy. Trước đây tôi đi bộ đội, xuất ngũ về thất nghiệp tôi nhảy ra đi buôn. Theo phong trào, tôi đánh hàng áo phông, quần bò, áo jắc-két sang Nga. Thấy tôi làm được, vừa ngỏ ý cần vốn bạn bè người thân, người quen ùn ùn đem tiền đến cho vay hưởng lãi suất. Đang làm ăn trôi chảy thì gặp vận hạn: mất một lúc bốn "công" (= container) hàng áo gió cao cấp. Đau còn hơn bị hoạn, tôi phút chốc thành kẻ tay trắng nợ nần tứ giăng hết đường bám víu. Cùng quẫn, tôi đánh liều theo bạn bè vào miền Trung đi buôn gỗ lậu. Không ngờ, tuy gian khổ và nguy hiểm nhưng chỉ trót lọt vài chuyến toàn gỗ quý tôi đã rủng rỉnh túi. Trả xong các loại nợ nần, tôi còn dư dả gửi cho vợ con ăn tiêu thoải mái. Tôi đã nghĩ đến chuyện gom góp vốn liếng quay về tìm một nghề lương thiện để sống. Khốn nạn, những thứ nghề chui lậu không chết trước cũng ngậm ngùi sau, chuyến "đánh lớn" của tôi cũng là chuyến bị kiểm lâm bắt sạch hàng cùng một lượt với mấy tay lái gỗ khác, may mà tôi trốn thoát. "Tài sản" còn lại là căn bệnh sốt rét rừng tôi đã kịp mắc phải. Đúng là ăn của rừng rưng rưng nước mắt.
Thất thểu mấy chặng tàu xe lết được về Hà Nội, tôi phát hiện thêm một sự thật cay đắng đang chờ mình: vợ ở nhà sẵn của ăn của để nổi cơn động cỡn đi tằng tịu với trai. Sự còn khốn nạn hơn nữa khi ra tòa ly dị, không hiểu chạy chọt vận động thế nào thị ta giành được trọn quyền nuôi hai đứa con và hưởng toàn bộ tài sản. Thị ta buộc tội tôi không đủ tư cách làm chồng làm cha, dọa sẽ tố cáo "những việc động trời" tôi đã từng phạm pháp. Mất sạch, tôi đúng nghĩa ra vỉa hè. Vay mượn những người thân quen còn chút từ tâm được một ít để chữa bệnh, qua cơn đau ốm tôi nằm bẹp nơi nhà trọ chưa biết sẽ làm gì ra tiền để sống. Hết tiền, nợ tiền nhà mấy tháng, chủ nhà trọ có ý muốn đuổi nhưng họ còn ngại nên chỉ đon ren mấp mé. Quẫn bách đến cùng đường, một chiều chạng vạng đi lang thang thơ thẩn ở khu phía nam cầu Thăng Long (sắp sửa uống thuốc sâu để "giải quyết" cuộc đời), tình cờ tôi gặp lại thằng bạn thân hồi còn quân ngũ, bây giờ đã là đại úy. Hắn lôi tôi về nhà cho ở nhờ, lại bàn với vợ để rẻ cho tôi chiếc Ci-ti, chấp nhận thanh toán bằng cách trả dần. Người ơn đúng lúc đã gợi lại nơi tôi lòng ham muốn sống. Tôi ra đỗ xe ở Cửa Nam mỗi sáng, hành nghề xe ôm từ đấy.
Sau khi kết hôn lần thứ hai, tôi quyết định rời Hà Nội theo vợ lên đây lập nghiệp. Phải nói lời cảm tạ cuộc đời, cuối cùng cũng cho tôi cơ hội để lật sang một trang đời mới. Tôi đặt tên cho thằng con trai là cu May, hàm ý nhắc nhớ những ơn nghĩa đến kịp thời đúng khi đang bế tắc.
- Cho phép tôi... coi chỗ... bắp tay bên mặt của anh...
Khi câu chuyện của tôi kết thúc, chị khách rụt rè đề nghị.
Dù rất ngạc nhiên nhưng theo cái gật đầu của vợ, tôi... vén tay áo bên phải lên và chìa tay ra. Chị ta nhìn vào rồi lắc đầu, nhưng lại đưa tiếp một đề nghị kỳ quặc khác:
- Còn ở sau cổ của anh, phía bên trái...
Khi chìa cổ ra, tôi hình như làm thất vọng chị thêm lần nữa hoặc trái lại, làm cho chị nhẹ nhõm. Nhìn hai vợ chồng tôi với cái nhìn thật vui vẻ, chị nói:
- Không ngờ trên đời này lại có người giống hệt chồng tôi tới cỡ đó. Nếu có thêm mấy vết thẹo nữa, chắc chắn má chồng tôi và sắp nhỏ dù có nghe giọng anh nói cũng vẫn bị lầm anh y chang như tôi hồi nãy.
Chuyện của người đàn ông khác.
Tay lơ xe gần như xô đẩy tôi lên xe. Chuyến xe đò đông ken, đa phần dân miền trong. Tôi ốm và đen đi nhiều. Giỏ xách đeo vai chỉ có hai bộ đồ và vài ba thứ lặt vặt. Rút ra gói thuốc đen trong túi áo, tôi châm lửa rít một hơi dài. Xưa tôi thích hút thuốc Con Ngựa, nhưng sau này cuộc sống khó khăn không cho phép xa xỉ nữa. Năm năm xa nhà xa xứ, không nên cơm cháo gì tôi quyết định trở về. Bỏ đi, trút gánh nặng mình gây ra qua vai vợ con, mẹ già đã là có tội, trở về mình không túi rỗng lại càng có tội hơn nữa. "Cuốn sổ nợ đời" quăn quéo nhàu nhò luôn kè kè bỏ trong giỏ xách, tôi đã lật giở bao nhiêu lần bao nhiêu đêm bao nhiêu ngày, trong đó có những cái tên, những số tiền, vàng, đô mà tôi đã thuộc làu dù nhắm mắt cũng đọc được chính xác. Của tôi nợ người ta và người ta nợ tôi. Mớ lòng vòng quanh quẩn mà tôi dấn thân vô rồi lút đầu lút cổ giãy giụa.
Ngày đó khi ông bà nội mất, rồi ba lâm bệnh nặng cũng qua đời, họ mạc dần dà phân ly tứ tán chẳng còn ai, má ở vậy nuôi tôi khôn lớn. Tôi thi đậu lên thành phố học đại học làm vinh dự nở mày nở mặt cho tôi, cho má. Khi tốt nghiệp ra trường, dù là kỹ sư nông nghiệp – nếu về quê sẽ có đất dụng võ hơn – nhưng tôi vẫn muốn ở lại thành phố xoay sở kiếm việc gì làm, rồi đón má lên. Tôi ưng cuộc sống tiện nghi văn minh và nghĩ má tôi xứng đáng được hưởng những thứ đó. Nhưng bà không đồng ý, nói còn mồ mả và nhà từ đường họ nội, sợ bỏ đi thành ra hoang lạnh không ai nhang khói. Dù vậy, tôi vẫn cãi lời má cố theo đuổi Lan – con gái của một gia đình kinh doanh khá giả ở thành phố.
Lan không đẹp nhưng sành sỏi. Cô nhiều bồ, ăn chơi vung vít coi bộ hết mình. Tôi biết những cô như vậy khó lấy chồng, tôi tính tới nước sẵn sàng chấp nhận lấy cô để đánh đổi với những gì gia đình cô sẽ mang lại cho tôi sau đó (ví dụ như tiền tài, hộ khẩu thành phố, những cơ hội để “thoát xác” anh dân tỉnh lẻ). Nhưng Lan từ chối lời cầu hôn của tôi, cô nói không yêu tôi. Cô chê tôi là loại đàn ông thiếu bản lãnh, không hấp dẫn, cặp chơi còn chán đừng nói cưới. Sau đó Lan lấy một chàng là dân đi biển viễn dương hết thời lên cạn. Anh chàng tốt mã, hình như cũng có được lưng vốn riêng trước khi về làm "chuột sa hũ nếp". Đám cưới rình rang một thời là đề tài bàn luận của những kẻ ở không – ưa thọc mũi vô chuyện người khác. Đám cưới làm đau lòng tôi thì ít mà lời chê bai của Lan làm tôi tức tối thì nhiều. (Sau này, khi biết chuyện Lan ly dị chồng vì tên đào hoa "sát gái" đó liên tục có mèo – quay về đánh đập chửi bới để tra tiền vợ, tôi cũng không thấy hả hê trong lòng cho lắm).
Tôi trở về quê, thành anh cán bộ xã. Sau đó nửa năm tôi cưới làm vợ người con gái do má tôi đi coi mắt rồi định đoạt. Thiệt tình tôi không yêu vợ, nhưng cô ấy cũng không làm gì tới nỗi tôi phải phật ý. Khi vợ sanh con gái đầu lòng tôi bỏ việc ở xã, xoay qua mở lò đường. Một thời gian dài tôi cử người đi thu gom mía của dân trong vùng đem về nấu đường, bỏ mối cho lái tỉnh, lái thành phố. Cuộc sống cũng dư dả tuy rằng vất vả, và tôi tự tin rằng ở đâu cũng có thể làm giàu được, miễn mình có chí.
Không ngờ một thời gian sau đường ngoại nhập tràn lan, hột đường đều, mịn, trắng tươi, giá lại rẻ bèo, nghề đường quê tôi cứ vậy mà sa sút dần, cây mía "ngắc ngoải" theo. Công đốn cao hơn tiền bán, mía trồng ra tới mùa thu hoạch, nông dân bỏ mặc cho trổ cờ phất phơ trắng xác trên đồng. Lò đường của tôi cũng như nhiều lò khác trong vùng hoạt động cầm chừng thêm được một thời gian thì phải ngừng, bởi càng làm càng lỗ. Mất một thời gian dài nằm queo chờ thời, thằng con thứ hai ra đời, sau đó tôi quay qua trồng nhãn. Hồi đó nhãn tiêu da bò là hàng đặc sản đất giồng miệt cù lao, giá thu mua rất cao, lớp bán tươi lái mua "bao cây", lớp hái sấy khô xuất qua đường tiểu ngạch. Người người theo nhau phá mía, phá lúa, phá dừa để trồng nhãn. Chưa kịp nở nụ cười lạc quan thì cây nhãn cũng tới hồi mất giá, bán tại chỗ hay xuất đi cũng không còn ngon ăn nữa. Người trồng nhãn tuy không lỗ thê thảm như hồi trồng mía, nhưng thu nhập cũng chỉ còn dư để dành chút chút, chủ yếu tích tiểu thành đa. Mà tôi thì chỉ luôn nung nấu trong lòng khát vọng làm giàu. Giàu nhanh chóng, giàu vinh quang, giàu nứt đố đổ vách.
Nuôi trồng ở miệt quê cũng như dân thị thành theo đuổi mốt. Mốt đối với dân thành thị là tiêu thụ những đồng tiền làm ra để chứng tỏ mình – dựa trên những quan điểm khác nhau về thời trang, còn với người nông dân là cuộc áo cơm bươn chải, chạy rượt theo bóng dáng ấm no dư dả mơ thoát khỏi cơn cơ cực nghèo đói. Hết "mốt" nhãn tiêu da bò là tới “mốt” đào vuông nuôi tôm. Từng khoảnh đất cặp mé biển của xứ cù lao được tận dụng tối đa để xắn vuông thả tôm sú, miệt giáp sông thả tôm càng xanh. Dân cù lao sôi sục trong cơn sốt mới. Tôi đứng ngoài cuộc bon chen, tôi đã quá mệt mỏi chán chê với những cơn thất thường thời cuộc. Tôi muốn theo đường khác, trăm nghề không nghề gì bằng kinh doanh buôn bán. Tôi quyết định buôn tiền, gọn-nhẹ-chắc ăn. Nói rõ ra là cho vay vốn. Tiền ở đâu cho vay? Cũng dễ thôi, có những người có dư tiền bỏ két nhưng lại không có máu phiêu lưu, họ muốn chắc cú lời lãi bao nhiêu là bao nhiêu – khỏi hồi hộp theo lao khi vung tay phóng. Tôi làm trung gian, đem của người này cho người khác vay, ăn chênh lệch khúc giữa. Nghề nhàn hạ, dễ kiếm ăn, chủ yếu dựa cơ có cái miệng ăn nói bạo dạn, rành rẽ, và bộ vó bề ngoài coi sang trọng, tươm tất. Là dân có ăn có học, lại cũng từng trải nghiệm thực tế mấy phen, tôi sắm vai tuồng mới khá trọn vẹn, trơn trót.
Vụ bể nợ xảy tới sau cú lừa của Ba Dĩnh chủ tiệm vàng ngoài chợ. Y đã gạt của tôi gần hai trăm triệu rồi biến mất tăm mất tích cùng con bồ nhí. Hàng loạt hụi lớn hụi nhỏ banh tành tiếp đó. Hụi viên phần lớn là dân có vuông tôm, gồm luôn tôm nước mặn lẫn nước ngọt. Đó là mùa tôm trúng bệnh hàng loạt, một thứ bệnh quái gở không rõ căn nguyên khiến con tôm chết nổi ngay khi mới nhỉnh hơn đầu đũa. Có thể do nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc do dịch lây lan nào đó từ cách nuôi thả thiếu khoa học. Nhưng tôi làm sao có thời gian và đầu óc để nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp họ nữa. Tôi lún trong nguy cơ lãnh trọn những cơn thịnh nộ, những viễn cảnh bị dồn đuổi đầy tăm tối. "Chuyện ai làm nấy chịu, xin làm ơn đừng xử ép và làm khó mẹ già, vợ con tôi, tội nghiệp! Nay tôi đi làm ăn xa, hứa kiếm được tiền sẽ quay về trang trải nợ nần cho tất cả...", tôi biên để lại lá thơ, từ biệt gia đình ra đi. Thời gian đó vợ tôi đang có bầu đứa thứ ba.
Thân sơ thất sở, kiếm miếng ăn bỏ bụng đã khó đừng nói có dư. Có thời gian tôi trôi dạt về phía Bắc, theo một tốp khai thác gỗ pơ-mu đi dọc Phan-xi-phăng lên tận vùng biên giới, nơi có những bản người thiểu số. Không ngờ ở nơi thâm sơn cùng cốc đó, tôi tình cờ gặp một gã bạn đồng môn, gã đang cùng với một nhóm các nhà khoa học đi thu thập tài liệu cho đề tài nghiên cứu gì đó, hình như nâng cao sản lượng giống lúa vùng cao. Trò chuyện đôi ba câu để thấy cuộc đời mới đó thôi đã sắp đặt quá khác nhau những số phận người, sau đó chúng tôi chia tay ai đi đường nấy... Chịu cực khổ không nổi sau đó tôi bỏ cuộc, lộn về miền Trung tìm kiếm cơ hội khác.
Gác bỏ tất cả những gì thuộc về quá khứ, tôi đã từng làm đủ mọi nghề có thể: sửa giày dép nơi ngã tư đường, đi bỏ báo, dẫn khách du lịch đi tham quan kiếm hoa hồng... Có một lần chạy xích lô (xích lô tôi đi mướn trả từng ngày) chở một bà sang trọng đi chợ, bà tỏ ra quý mến tôi vì tôi ăn nói lễ độ, mặt mũi coi bộ cũng đàng hoàng. Sau đó khi nghe tôi kể hoàn cảnh mình, cảm động và không hiểu tin tưởng sao đó, bà dám đứng ra bảo lãnh cho tôi vô học nghề ở một hãng taxi. Tôi học lái xe rất mau và do sự can thiệp sao đó của người đàn bà "qưới nhân phò trợ", công ty chấp thuận giao cho tôi một chiếc xe. Nghề lái taxi giai đoạn tôi vô làm “trăm hoa đua nở” cạnh tranh khốc liệt không còn ngon ăn nữa. Nhưng tôi một thân một mình, chịu kham khổ nhịn miệng để dành, lại biết cách gầy dựng mối ruột, siêng năng móc nối mối mới, tranh thủ tạo quan hệ với các nhà hàng, khách sạn kiếm khách bao chuyến... do đó kiếm ra cũng khá. Có những ngày lễ, trừ xăng xe chi phí tôi còn dư tới bốn năm trăm ngàn.
Ngặt một điều, người đàn bà người ơn của tôi không giúp không. Bà ta có chồng đi công tác nước ngoài quanh năm, chuyến ông ta đang đi là một chuyến dài tới hơn một năm, hai người không con cái trong khi bà thì đang tuổi hồi xuân phơi phới. Tôi xa vợ cũng đã lâu, song tôi không khát tình, không có ý định sẽ phản bội vợ dù chỉ là chuyện qua đường, trăng gió. Nhủ lòng như vậy, nhưng tôi đã không thoát được khỏi vòng tay cám dỗ của người đàn bà trong cơn hừng hực khao khát. Từ chuyện "trả ơn" giúp đỡ ban đầu, tôi lún càng lúc càng sâu trong mối quan hệ thầm lén ma quái. Tới một lúc, tôi bắt đầu cảm nhận tôi không thể sống thiếu bà ta, tôi muốn chối bỏ tất cả những gì thuộc về quá khứ để thanh thản cùng bà ta ngụp lặn trong những cuộc truy hoan, săn tìm những khoái lạc đến tận cùng bản năng yêu đương – thuần túy về mặt thể xác của loài linh trưởng. Sự điêu luyện của bà ta đã thức tỉnh trong tôi những khát khao nhục dục bị ép bỏ đâu đó trong xó lòng suốt bấy lâu nay, khiến tôi tin rằng việc dứt bỏ những đam mê tội lỗi là điều quá khó.
Bi kịch xảy tới khi chồng bà ta hoàn tất chuyến công du trở về. Lý ra, tôi phải coi đó là dịp tốt để chấm dứt với bà ta, thức tỉnh và quay lại với cuộc bươn chải dành dụm ki cóp của mình. Nhưng không, chúng tôi như một thứ nam châm hút chặt lấy nhau bằng thứ mãnh lực bất chấp. Kim trong bọc lâu ngày..., kết cuộc tất yếu là một cuộc chạm trán tại căn phòng trọ của tôi trong cảnh huống không còn lời nào để chối cãi: ông ta bắt quả tang tại trận cuộc thác loạn mây mưa và bình tĩnh đàng hoàng đặt ra một cái giá. Tiền kiếm được từ gần một năm cật lực "cày" taxi của tôi được đặt lên bàn để trả cho ông ta – đổi lấy sự tự do không ồn ào, không tan nát, không sứt mẻ. Tôi cay đắng tới mức không nghĩ nổi những sự trừng phạt sau đó bà ta sẽ phải nhận lãnh. Vĩnh biệt từ đây mối đam mê tội lỗi.
Hãng taxi đòi lại xe, và thiệt sự tôi cũng chẳng còn hứng thú để làm cái nghề "lượm bạc cắc hạng sang" đó nữa. Tôi trả xe, xách giỏ ra đi, ngược về gần đầu nam đất nước hơn nữa (cũng là gần quê nhà hơn nữa). Nghề cuối cùng tôi làm trong cuộc bỏ nhà đi biệt xứ của mình là nghề thợ hồ. Tôi nghiệm ra thiệt khó tìm được cơ hội để có thể xài đúng cái nghề canh nông mà tôi đã tiền của công sức mấy năm trời ăn học tốn kém. Sau ba tháng làm thợ hồ để thử sức, do hết lòng cố gắng tôi được chủ thầu tin yêu cất nhắc lên làm cai. Tôi cũng tính sẽ theo đuổi học nghề thầu, nếu không có một sự cố nghiêm trọng xảy ra làm vỡ vụn giấc mơ tôi.
Lúc đó, chúng tôi đang lãnh xây một căn nhà lầu đúc ba "tấm". Sau khi đổ bê-tông đúc tấm thứ ba và ô-văng trên cùng được ba tuần rưỡi, chủ thầu cho lệnh dỡ cốp-pha. Không hiểu do hơ hổng nào về phần kỹ thuật, cốp-pha đứt lìa cốt thép, rớt xuống nguyên tấm bê-tông nặng – đè chết hai thợ phụ hồ làm công nhựt, còn tôi nhảy thoát kịp trong gang tấc. Cái chết oan uổng và đau đớn của hai thanh niên trẻ mà mọi người ở công trường chỉ biết vỏn vẹn có cái tên đã làm cho tôi mất ăn mất ngủ, bị ám ảnh hoài suốt cả tuần lễ sau đó. Đủ mọi loại trục trặc tiếp diễn, lớp chủ nhà làm khó muốn dứt ngang công trình vì sợ chất lượng thi công kém không đảm bảo, lớp chạy lo tang ma cho hai kẻ xấu số, lớp cày cục tìm hỏi thân nhân của họ, lớp trấn an anh em thợ lấy lại tinh thần để làm việc tiếp... Khi đã tạm lắng các rắc rối, tôi xin ông thầu thôi việc. Tôi không chịu đựng nổi nữa. Tới bây giờ, nhiều đêm tôi vẫn còn chiêm bao thấy hai thi thể mới cười cợt chọc ghẹo giỡn hớt nhau đó, phút giây sau đã nát bấy, lầy lụa máu me, óc não lẫn với đất cát gạch vụn bê bết, mắt phọt ra, lưỡi thè lè. Tôi đã bao che cho ông thầu trước chủ nhà về chuyện ông ăn bớt "phi" (#đường kính) thép làm cốt, xi-măng trộn bê-tông kém tuổi lại pha quá nhiều cát. Tất cả để né nhà chức trách, nhưng trước vong linh hai người chết bất đắc kỳ tử kia không ai có thể dối trá. "Chuyện đã rồi, dù sao chết là hết. Mong các cậu có linh thiêng thì bỏ quá cho tôi, tôi có tội, nói có trời đất chứng giám tôi ăn năn lắm...", ông thầu đã thành khẩn khấn khứa trước quan tài như vậy, còn chuyện từ rày ông có ăn năn thiệt hay không chắc chỉ trời, đất và ông biết...
Tôi về tới nhà vào buổi trưa. Ở nơi hồi đó là nhà tôi giờ mọc lên một căn biệt thự khang trang xinh xắn quét vôi nâu vàng, có tường rào bao quanh ngó sang trọng và xa lạ. Ngạc nhiên quá đỗi, tôi kêu cửa. Con chó cao lớn nhảy xổ ra sủa ầm ĩ. Một bà già đẹp lão ăn bận chải chuốt mang kiếng gọng vàng từ tốn chỉ cho tôi lối vòng ra mé sau. Tôi cám ơn, theo lời bà đi men theo bờ đất. Sân nếp nhà nhỏ vắng vẻ, mấy bờ đất mấp mô làm tôi suýt vấp té vô rãnh nước. Tôi đi vô nhà, bàn thờ của ba tôi trong khung cảnh xác xơ này ngó hiu quạnh, buồn thảm quá. Tôi thắp nhang, đứng hồi lâu khấn khứa, xong xá mấy cái rồi đi thẳng ra sau. Má tôi đang cúi đầu thổi lửa bếp tro mù mịt khói. Tóc má bạc đi nhiều quá. Lưng má thấy đã hơi khòm, vai xuôi rũ. Khuôn mặt dòm nghiêng thấy những nếp nhăn tuổi tác xếp nếp đầy xung quanh miệng, mắt... Có tiếng xôn xao ngoài cửa, tôi ngó ra. Mấy đứa con tôi. Trời ơi, chúng lớn lên nhiều quá. Thụy tóc thả dài, đã ra dáng một cô thiếu nữ – nhưng là thiếu nữ con nhà lam lũ. Thằng Út ốm nhách cao lêu đêu đen trùi trũi, tay dắt một con nhỏ mũi kéo dây nước mũi lòng thòng – chắc là đứa em nó mà tôi chưa biết mặt. Ý chừng chưa nhận ra tôi, không đứa nào dám xáp tới. Bất đồ tôi nghe sau lưng có tiếng hỏi êm ái:
- Con vợ bây đâu, Hai?
Tôi quay lại với má, ngạc nhiên:
- Ủa, sao má hỏi con. Cổ đâu, sao con biết...
- Trời đất ơi, nó lặn lội đi kiếm bây...
Má kể sơ cho tôi biết ngọn ngành khúc nôi. Trời ơi, cực thân vợ tôi quá. Khi những đứa con ào tới gọi ba và ùa vô lòng tôi... theo "lệnh" của bà nội, tôi ôm chặt lấy chúng trong đôi tay mình. Dường như có những giọt nước bỗng chảy ra từ khóe mắt tôi không thể kềm giữ.
Tháng 09-2001.
0 comments:
Post a Comment