“Mỗi một người đều mang theo bên mình hành trang của Ký ức. Mỗi bận vấp ngã sẽ tự đứng dậy mà trưởng thành hơn ngày hôm qua. Vui buồn, ngọt bùi hay đắng chát, đều là dư vị của cuộc đời này. Vốn dĩ, cuộc sống đâu chỉ có mỗi niềm vui thôi?”
***
1. Tuổi thơ dữ dội
Hai tôi với Anh là bạn nối khố từ nhỏ, nhà cũng nằm sát vách nhau, tính ra cũng hơn mấy chục năm rồi. Nghe tía nói, từ lúc đất nước còn chìm trong mảng tối âm u của thời bao cấp, tía má Anh từ Bắc vô Nam rồi xuôi theo con thuyền cuộc đời, đặt chân đến chốn duyên nợ này, tự lực cánh sinh mà tạo dựng cuộc sống mới. Thời gian dần trôi, dưới sự biến thiên của dòng chảy cuộc đời, tre già măng mọc, bao lớp thế hệ trẻ ra đời trên mảnh đất nghèonày, cứ thế bươn chải với miền quê sông nước, với cánh cò trắng dập dìu mỗi sớm mai trên những cánh đồng trải dài một màu xanh tít tắp rồi làm nên diện mạo yên bình như hôm nay.
Tết Đoan Ngọ, Hai tôi xin nghỉ hai ngày phép năm về quê thăm tía má. Nhìn Hai có vẻ hí hửng lắm, hết ngắm chỗ này lại nghía sang chỗ khác, chốc chốc lại nhìn đồng hồ rồi cười mỉm một mình. Cơm nước buổi trưa xong xuôi, tôi lén đi theo Hai đến mé sông. Lén lén lút lút một chặp, rốt cuộc tôi cũng biết được nguyên do. Hóa ra, lần này Hai về nhà là để xin phép tía má qua nhà dặm ngõ chị Lụa con bác Năm đầu xóm. Nghe tin này, tim tôi không dưng bỗng nhói lên vài cái, mắt không tự chủ được lại hướng về hàng rào bông bụp đỏ ối sát bên nhà. Nhủ thầm, không biết Anh đã hay tin này hay chưa?
Ngẫm lại, lại thấy buồn. Chẳng phải hai ảnh là bạn chí cốt sao? Người ta nói rằng, kiếp này được làm bạn của nhau, hẳn là kiếp trước đã cùng tu chung một đoạn đường dài. Mà đã là chí cốt của nhau, hẳn là phải có chung những sở thích nào đấy. Ví dụ như, Hai tôi từ nhỏ đã thích đánh nhau hơn đánh banh, mà Anh cũng thế; ví dụ như, Hai tôi từ nhỏ đã ghét cay ghét đắng món chè kê xúc bánh tráng má hay cúng ngày rằm, hiển nhiên, Anh cũng vậy. Còn có rất nhiều tật xấu mà Hai tôi mắc phải, cũng chẳng biết là vô tình hay hữu ý mà Anh cũng y chang. Chỉ là, dẫu cho sở thích hay chí hướng có giống nhau đến thế nào đi chăng nữa, hai người vẫn là hai cá thể hoàn toàn khác nhau. Như vậy, liệu việc cùng thích một người có được tính là điều hiển nhiên hay không? Tôi chẳng biết, mà cũng chẳng dám đi hỏi Anh. Đơn phương một người, liệu mấy ai có đủ can đảm để đi tìm đáp án?
Gió lùa qua bụi tre đầu ngõ, nghe âm thanh rì rào khe khẽ. Tôi đứng lặng yên giữa trưa hè, vươn tay nắm từng vạt nắng hắt từ những lỗ nhỏ li ti trên mái hiên, để mặc lòng xáo động. Bên ngoài rực rỡ như vậy, sao lòng tôi lại trống trải đến thế?
Buổi tối mùa hè nóng nực, tía mắc võng nằm hóng gió, tôi ngồi trên sạp sửa soạn ấm tách chuẩn bị pha trà hoa cúc cho tía. Một chặp, tía gọi Hai ra ngồi cùng, tức cảnh sinh tình ngâm vài câu thơ rồi bỗng kể chuyện chúng tôi lúc nhỏ. Tía nói, đi hết cái xóm này cũng không đào đâu ra được hai thằng nào nổi tiếng hơn hai ảnh. Lúc mới nghe, Hai tôi lấy làm khoái chí lắm, còn vỗ đùi đen đét tự khen mình giỏi, xém chút nữa thôi là té chổng vó từ sạp gỗ xuống. Nghe một chặp mới ngộ ra, hóa ra là nổi tiếngvề mức độ quậy phá và lười chảy ra nước. Tôi nghe tía kể mà cười trẹo cả miệng, còn không quên vừa đấm lưng cho tía, vừa đá xoáy thêm mấy câu góp lửa thêm vui! Hai giận quá hóa thẹn, cà khịa lại tía mấy câu rồi chuồn mất, còn không quên đá mắt với tôi mấy cái làm tin, “Tao sang tìm thằng Hoàng!”. Nhìn cái dáng dong dỏng cao của Hai dần khuất sau giậu mùng tơi má mới tỉa đầu ngõ, những kỷ niệm thuở ấu thơ bỗng như cơn sóng nước uồn uồn kéo tới, từng vòng, từng vòng lăn tròn đều đặn, sau đó lớn dần rồi lan ra mãi đến tận cùng…
***
Năm tôi lên mười, xém chút nữa thì bị nướng cháy khét trong nhà mình.
Chuyện là giữa trưa hôm ấy, tía má hai nhà có tiệc tân gia ở xóm trên. Lúc đi bèn gửi Anh ở lại bên nhà tôi, còn chuẩn bị sẵn cơm canh cho mấy anh em ăn buổi trưa. Ông bà có câu, “căng dây bụng, chùng dây mắt” quả không ngoa, chưa kịp để cơm tiêu hết, hai đứa to đầu lớn xác ấy ném tôi ở lại với mâm chén bát ngổn ngang chưa rửa, còn bản thân thì ung dung ôm gối lên sạp nằm tò te tú tí với nhau.
– Mày giúp hai anh rửa chén bát đi, chiều tụi tao dẫn ra ruộng bắt chuột đồng!
- Ờ, thiệt đó nghen Hai! – Nghe Hai dụ dỗ, tôi hí hửng bê mâm chén bát lổm nhổm xương cá ra sau vườn, hì hục rửa một mình. Vừa rửa vừa mường tượng ra mùi thịt thơm nức mũi của món chuột đồng hun rơm mà chảy cả nước dãi. Lúc tận mắt chứng kiến cảnh bác Ba vây bắt lũ chuột trên đồng sau vụ gặt, tôi tái hết cả mặt, chân tay còn run lẩy bẩy. Khỏi phải nói, đám Trạng Tý ấy chạy nháo nhào cả lên, như rắn mất đầu mà giẫm đạp lên nhau, đông tây nam bắc nhặng xị. Thế mà chưa đầy nửa tiếng sau, cái mùi thơm đặc biệt quyến rũ ấy đã kích thích toàn bộ tế bào háu ăn của tôi và đánh tan cái cảm giác sợ sệt lúc ban đầu. Nhớ lại vẫn còn thèm đến rõ dãi!
Rửa xong mớ chén bát, tôi hí hửng vọt lên nhà trên, định bụng phải móc ngoéo với Hai cho chắc ăn. Tôi còn lạ gì cái kiểu ba phải của ổng nữa! Hỡi ôi, quả nhiên, nhà trên trống không, hai ông già quỷ quyệt ấy đã trốn mất tăm mất dạng tự lúc nào rồi. Tôi ôm một bụng ấm ức lên sạp nằm ngủ, vừa nằm vừa bấm bụng nuốt cục thèm thịt xuống!
Trong mơ, rốt cuộc tôi cũng ôm được một con chuột đồng béo múp míp, thịt vàng giòn nằm trên mớ rạ mới gặt, thơm nức cả một góc trời. Chỉ là, càng ngửi, càng thấy cái mùi thơm này có chút vấn đề, hao hao giống mùi khét hơn… Tôi cố mở đôi mắt nhập nhèm của mình ra, chùi chùi cái mũi đã tèm lem nước từ lúc nào chẳng biết.
- Ôi má ơi! – Giây phút mở mắt ra, tôi bị dọa đến giật nảy người. Tôi mở căng mắt hết cỡ, nhìn cảnh tượng kinh hoàng trước mặt, giây lát sau thì chả còn biết trời trăng mấy gió gì nữa. Đơn giản, tôi xỉu rồi!
Lúc tỉnh dậy lần nữa là ở trạm xá xã. Nghe tía kể lại, lúc đó nhìn mặt tôi ngơ ngác đến tội nghiệp, má còn sợ tôi bị dọa đến chập dây, liên tục lắc tay cô y tá mà hỏi. Nói thật, có mỗi hai đứa con, mà một đứa khùng khùng mách mách thì còn mần ăn được gì nữa? Nằm một đêm, sáng hôm sau tôi được về nhà. Nói là nhà cho vui vậy thôi, chứ nó cháy rụi từ trưa hôm qua rồi còn đâu. Nhìn mấy tấm tôn còn treo tòn teng trên cây đòn tay cháy xém đen thùi lùi, tôi nuốt ực nước bọt một phát. Hú u ba hồn chín vía nhà tôi, không khéo hôm nay đầu ngõ treo cờ bốn năm màu đưa tiễn tôi về đoàn tụ với ông bà, ông vải rồi cũng nên. May mà tía má về kịp. Hú hồn!
Sau trận cháy nhà, Hai tôi bị tía dần cho một trận nên thân, tối nào cũng bắt đứng trước bức ảnh của ông nội, cầu xin ông nội tha thứ vì tội làm cháy bàn thờ tổ tiên.
- Hai, anh Hoàng có sao không? – Tôi dè dặt hỏi Hai, mắt láo liên nhìn qua cửa cái chòi tạm. Mấy hôm rày, từ hồi nhà tôi làm nhà lại đến giờ, không thấy ảnh ghé qua chơi. Dù sao thì đối với con bé thuở ấy mới lên mười như tôi, Anh và Hai là hai người vô cùng quan trọng trong các phi vụ ở đồng. Hơn nữa, Anh vừa đẹp trai, lại vừa chiều chuộng tôi gấp mấy lần ông Hai già. Ổng ấy à, chỉ giỏi việc tị nạnh với tôi thôi. (Thật lòng mà nói, tôi còn không ngờ bản thân đã có máu mê trai đẹp từ nhỏ như vầy! Mô phật!)
- Mày giỏi ghê ha, tao bị đánh đến nát cả mông, mày đứng bên chỉ biết cười sằng sặc. Thằng Hoàng mới hai ngày chưa đến, thì đã đứng ngồi không yên! – Hai hừ lạnh một tiếng, lấy hộp diêm của tía quẹt xoẹt xoẹt nghe đến lạnh tóc gáy.
- Ế, không có giỡn nữa à nghen. Cháy một cái nhà rồi, Hai mà còn chơi diêm là nhà mình ra ngoài ruộng mà ở luôn giờ! – Tôi nhảy xuống khỏi sạp, ôm gối đứng cách xa ông anh đáng sợ hơn chục mét. Hôm bữa, hai ảnh lục đục nhen nhúm đống củi dầu sau bếp để nướng bánh tráng dừa, nướng kiểu gì mà cháy luôn cả cái nhà, chút nữa thôi là nướng luôn cái con khô mè là tôi đây. Thế mà ổng chả biết sợ là cái gì!
- Không nói với mày nữa, đi nấu cơm đi! Tía má sắp về rồi đó. – Hai hất đầu chỉ về hướng nhà cũ, giọng rầu rĩ đến đáng thương.
Tôi vâng lời, chạy vọt ra sau nhà. Có bóng người thấp thoáng phía sau hàng bông bụp.
Anh cầm gói bánh đậu bà Năm bán đầu ngõ, thấy tôi ra khỏi chòi liền cười vui vẻ, giơ tay vẫy vẫy.
- Cho em nè!
Nụ cười của Anh ấm áp tựa ánh nắng mặt trời, từng giọt thấm đẫm yêu thương khẽ chạm vào đáy lòng tôi, nghiễm nhiên trở thành thói quen khó bỏ. Đến giờ nghĩ lại, phải chăng cảm giác thân thiết từ nhỏ ấy theo thời gian luân chuyển mà dần dần đậm sâu, rồi bất chợt biến thành tình yêu từ lúc nào chẳng rõ? Hóa ra, Yêu đơn phương một người theo năm tháng, chỉ có tăng lên, chẳng có giảm hồi…
2. Cận trưởng thành – Những nốt rung động đầu đời
Hai nhà chúng tôi vẫn thân thiết như thế – cháo rau ba bữa, tối lửa tắt đèn có nhau. Từ lúc xây lại nhà mới, má có trồng cải sau vườn, cải này cho heo chứ chẳng phải cho người, nên đến mùa cứ thi nhau trổ hoa vàng, rực rỡ khắp một khoảng đất rộng. Mà Hai với Anh, cùng lúc đó lại bày thêm mấy trò tinh nghịch mới, mặc dầu hai ảnh đã lớn tồng ngồng hơn mười lăm tuổi đầu, còn tôi chỉ mới mười hai tuổi.
Trời tháng mười, gió thổi tới mang theo hơi nước từ cửa sông thổi lên, hoa cải nở rộ một màu vàng báo hiệu lũ heo nái trong chuồng lại có thêm bữa ăn dặm ngon lành. Đi học về, tôi liền vất cặp lên bàn, chạy ù ra sau vườn bám đuôi theo hai ông anh đi đào dế. Đào tới sáu giờ chiều mà chỉ được nhúm dế mèn ốm tong teo như Hai già nhà tôi, chắc chỉ đủ nhét kẻ răng của hai gã lớn (tôi thì bị cho ra rìa chắc luôn!). Sáu giờ ba mươi má về, cầm roi mây đứng thù lù ngay cửa bếp. Ba đứa mặt cắt không còn giọt máu, líu ríu dắt nhau vô nhà, vòng tay trước ngực, mặt cúi gằm xuống đất không dám ngẩng đầu lên. Cắn răng nghe má vút mấy roi thật mạnh vào chân ba đứa một lần. Anh nắm chặt tay tôi, bắp chân hằn mấy dấu đỏ, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương, cười cười.
- Không đau, anh đỡ hết cho em!
Tôi mếu máo, một tay túm lấy vạt áo Anh, tay kia quẹt nước mắt. Không đau mới lạ đó!
- Mèn ơi, lại khóc nhè rồi!
Từng hàng cải vàng nghiêng mình theo gió, chốc chốc lại phát ra tiếng lào xào lạc xạc. Chúng nó đang cười ba đứa tôi, chắc luôn!
***
Năm tôi học lớp Bảy, cái xóm nhỏ dạo ấy tự dưng thịnh lên cái mốt coi bói. Cả xóm, từ trên xuống dưới nháo nhác rỉ tai nhau đi xem gia sự rồi vận mạng, thêm khoản tình duyên với công danh nữa là xứng lứa vừa tầm nhau. Mà đúng thời điểm ấy, gió không biết thổi theo chiều nào, tự dưng đám heo nái nhà tôi lăn đùng ra chết, chết một lần đi luôn tám con. Má tôi lo đến vàng chạch hai mắt, môi khô khốc không thèm uống ăn gì. Hai ba ngày sau, theo mách miệng của dì Út, má bèn đi lên xóm trên coi một quẻ. Tối hôm ấy, trời đương mưa như trút nước ngoài đường, cả con hẻm chìm sâu vào một màu tối đen như mực, má với dì Út tất tả đội mưa mà đi. Tầm tám giờ hơn, tự dưng nhà tôi có thêm hai người nữa. Tôi, Hai với Anh đang chơi đánh bài quẹt nhọ nồi cũng bị đuổi khỏi phòng khách, vô nhà trong mặc quần áo dài tay. Tôi lén đưa mắt nhìn ra, thấy tía má vừa quỳ vừa chắp tay trước một người đàn bà, run rẩy để bà ta chỉa ba cây hương xoay vòng trên đầu. Nghe Hai nói, bà đó là cô Bảy coi bói xóm trên, cực kỳ linh luôn. Bà ta mặc một bộ đồ vừa quái dị vừa hầm hố, vừa lẩm bẩm vừa nhảy đông đổng như mấy con khỉ đang làm xiếc. Cuối cùng tôi mới biết, hóa ra đó được gọi là lên đồng. Một lúc sau, bà đồng đó bắt hai anh em tôi ra quỳ trước mặt bả, dữ tợn trừng mắt nhìn tôi rồi cười ha hả, nói một tràng tiếng quái gở. Tôi giật thót tim, mặt xanh lè như tàu lá chuối, run run chắp tay, gật đầu như bửa củi mà không biết bà đồng đó nói cái gì. Anh đứng trong góc phòng, mặt cũng xanh lè không khác gì hai anh em tôi.
Đúng mười hai giờ, gió thổi ào ào sau vườn, mưa vẫn chưa ngớt, từng đợt đập ào ào lên mấy tán lá. Ba đứa tôi trùm chăn, chỉ ló mỗi cái đầu nhòm qua cái lỗ thông gió. Bà đồng tay cầm một cái chuông, chốc chốc lại phát ra tiếng leng keng nghe rợn tóc gáy, vẻ mặt nghiêm trọng đứng lẩm bẩm phương hướng gì đó. Lát sau, tía má tôi khệ nệ bưng một mâm hoa quả, nhang đèn, gạo muối đầy đủ đặt lên cái bàn phía trước chuồng heo. Lũ heo bị đánh thức, lập tức chạy nháo nhào, rống lên éc éc như bị người ta thọc huyết. Mưa mỗi lúc một lớn hơn, màn nước dày đặc xiêng vẹo theo hướng gió, táp thẳng vô năm người đang đứng trong vườn.
- Bà đó làm gì ghê quá vậy Hai? – Tôi túm chặt cái chăn, tay kia khều khều tay Hai.
- Làm phép!
Tôi giật mình quay lại, lại nhìn cái tay mình đang nắm lấy tay Anh. Ơ, nhầm à? Liếc mắt sang góc kia, thấy gã Hai già nằm ngủ chèo queo từ đời nảo đời nao rồi. Khóe miệng tôi giần giật, tướng ngủ gì mà xấu thảm họa vậy không biết nữa!
- Sao anh chưa về nhà? – Cũng mười hai giờ hơn rồi còn gì.
- Anh định về, nhưng thằng Long ngủ rồi, nên thôi… – Anh búng mấy cái vào trán tôi, cười hề hề.
- Dì Hà không gọi anh về ạ? Nhà em nhiều muỗi lắm đấy nhé! – Tôi xoa xoa cái trán, chỉ chỉ mấy con muỗi bự chà bá đang nhàn nhã bay lượn trên trần nhà.
- Anh về rồi em có dám coi nữa không?
- Đương nhiên là… không rồi! Hì hì! – Tôi ôm lấy cánh tay Anh, giở trò nhõng nhẽo cố hữu.
Anh cười hiền, chỉ chỉ ra ngoài, “Xem tiếp đi! Lớn một chút, có khi lại không còn cần anh xem cùng!”.
Cứ thế, hai đứa rình mò bà đồng làm phép ở chuồng heo suốt đêm, cuối cùng lăn đùng ra ngủ tự lúc nào chẳng rõ. Trong ký ức, buổi tối ngày mưa năm ấy, ba đứa tôi cùng nằm chung trên giường, cùng đắp chung chăn, lẳng lặng nghe tiếng mưa lào rào xen lẫn tiếng khấn vái khó hiểu, cùng trải qua quãng đường tuổi thơ đáng nhớ – quãng đường cận trưởng thành êm dịu như giấc mơ…
3. Trưởng thành – Có một màu hoa cải trong tim
Chị Lụa là con bác Năm đầu xóm, người vừa dễ thương, lại vừa chịu thương chịu khó. Nghe Hai thưa chuyện của mình với chỉ, tía má tôi ưng ý trong bụng lắm, định mùng mười tháng năm mang trầu cau sang nhà dặm ngõ, rồi tính chuyện cưới xin trong năm nay luôn cho tiện. Tôi đưa mắt nhìn làn gió xoay mình chuyển nhẹ sang mé sông, lẳng lặng nghe tiếng cười vui vẻ của Hai với chỉ. Ngắt một bông bụp đỏ, tôi khẽ cài lên chiếc giỏ mây chị Lụa để trong hiên nhà. Lòng nhủ thầm, hạnh phúc nhé, Hai già!
Ngước mắt lên, Anh đứng đối diện tôi, cách một cái hàng rào. Vạt áo trắng lay động trong gió, mái tóc đen huyền rối bù, nhưng ánh mắt lại thấp thoáng nụ cười khó hiểu. Tôi ngơ ngẩng nhìn bóng lưng Anh quay đi, chẳng thốt nổi lên một câu an ủi như thuở nào. Trên hàng rào bông bụp đỏ ối một màu, mấy nhánh hoa cải vàng bé nhỏ li ti, khẽ động. Anh đã hái nó, tự bao giờ?
***
Ba người họ là bạn thân cùng trường cấp ba, chung một lớp, cũng chung một tổ. Dường như số phận sắp đặt để trêu ngươi, Hai tôi ngồi bàn nhì, chị Lụa ngồi bàn ba, Anh lại là người ngồi bàn sau lưng chỉ. Có lẽ vì vậy mà, Anh mãi mãi vẫn là người đến sau, dõi theo bóng lưng người thương rồi tan trường lại lầm lũi đếm bước chân của hai người phía trước. Những năm tháng ấy, mỗi bận chứng kiến cảnh hai người họ vui vẻ bên nhau, tôi lại liếc mắt nhìn sang Anh, thấy thấp thoáng trong đó là nỗi buồn nồng đượm vương trên khóe môi hay cười, trái tim tôi từng hồi chợt co rút. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng, một người con trai lại có lúc mỉm cười mong manh đến thế! Năm tháng tĩnh lặng trôi qua, chúng tôi cùng nhau trưởng thành, thói quen ấy dần dần trở thành vô thức, để rồi đến lúc này, khi Hai tôi và chị đã có thể cùng nhau khép lại câu chuyện tình đẹp như mơ ấy, để vẽ nên viễn cảnh tương lai hạnh phúc phía trước, trái tim tôi lại không tự chủ được lo nghĩ đến Anh.
Tốt nghiệp cấp ba, Hai tôi và Anh cùng đỗ vào Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Sau bốn năm miệt mài trên ghế giảng đường đại học, cả hai đều chọn rời xa miền quê sông nước này, vươn cánh bay đến chân trời mới để tạo dựng ước mơ.
Nhớ những đêm đại học xa nhà, tôi mơ màng nhìn ra khung cảnh phía bên ngoài kia. Khắp nơi giăng trải một màu cam vô vị của ánh đèn đường, những sắc màu sực sỡ mà cứng nhắc của cuộc sống thị thành hối hả. Bỗng dưng thèm lắm hình ảnh một dòng sông sáng trong soi rõ đáy nước với những mái chèo xuôi ngược trên khắp nẻo đường quê hương. Những lúc cô đơn, trống trải ấy, tôi thường tìm đến bờ vai Anh như một điểm tựa vực dậy tinh thần. Cũng có những đêm mùa thu nóng nực, giữa lòng thành phố này, dưới sự tranh đua hơn thua của lòng người đầy mưu tính, hay những bận nỗi đau tìm về khi bắt gặp hình ảnh thân thiết giữa Hai và ai kia, Anh lại đến tìm tôi, chỉ để mượn tạm một bờ vai, nhắm mắt tĩnh lặng và yên ổn. Dưới tán cây bằng lăng tím của khu trọ sinh viên, chúng tôi dắt nhau đi qua hết những nỗi đau còn sót lại, chỉ để hy vọng ươm mầm một yêu thương mới, dẫu là chỉ mong manh. Tôi hiểu anh, hiểu cả những niềm vui và nỗi muộn phiền.
- Em có yêu một người, chỉ là người ấy lại yêu một người khác! – Tôi để mặc mái tóc anh phả vào mặt mình, ngước mắt lên trời để ngăn từng dòng xúc cảm đang nhộn nhạo trong đáy lòng.
- Ừm, anh biết rồi. Người đó thật hạnh phúc! – Anh cười buồn bã.
- Anh thì sao? Đến lúc nào mới quên được chị ấy?
- Lúc nào sao? Anh không biết, mà cũng không muốn biết. Anh sẽ đợi đến lúc cô ấy không còn yêu người ấy nữa! – Anh ngước mắt nhìn tôi, một tia sáng lạ kỳ thoáng chốc vụt qua.
- Anh thật ngốc, anh trai!
- Em cũng vậy mà, em gái! – Anh khẽ thở dài, vươn tay vuốt mái tóc rối của tôi, rồi vén sang hai bên tai. – Chỉ có những ai đã từng bước qua tình đơn phương, mới hiểu hết nỗi đau mà người trong cuộc phải che giấu. Chỉ mong người đó được an yên, bản thân mình chẳng mong làm phiền và chiếm giữ. Yêu là mong cho người mình yêu được hạnh phúc, đó chẳng phải là lòng chiếm hữu tầm thường của bản năng. Yêu, là phải như thế!
Tôi gật đầu, nghe trái tim mình từng hồi vỡ nát.
Thời gian dưới bàn tay an bài của số phận, bỗng dưng biến hóa muôn hình vạn trạng. Cuộc sống mới, con người mới, tình yêu mới dường như chẳng hề mảy may ảnh hưởng đến hai người con xa xứ ấy. Tía má hai nhà đợi được sự trưởng thành chững chạc của chúng tôi, chị Lụa đợi được Hai tôi trở về nguyên vẹn với tình yêu lúc đầu, Hai với Anh chưa bao giờ mất đi tình bạn thân thuở còn ngây ngô thơ trẻ. Riêng tôi, tôi vẫn đứng đây, tại chỗ cũ này, với niềm hy vọng mong manh mà xa vắng…
Tháng mười đến, nắng thu vàng nhuộm thắm cả khoảng trời trong xanh vời vợi, Hai tôi tưng bừng làm chú rể. Dượng tôi ở Cà Mau mang theo mấy vựa lúa mới trúng, đèo bồng theo hai đứa em họ sinh đôi lên nhà tôi ăn cưới. Không khí gia đình tôi lúc ấy còn nóng hơn cả đêm ba mươi tết. Sáng ngày hỉ, tía tôi lấy võ lãi đi rước dâu, Hai tôi cười tít mắt tít mũi bưng mâm trình giờ hết nâng lên lại hạ xuống. Anh đứng bên cạnh Hai, vẫn áo sơ mi trắng, quần tây đen, mỉm cười hiền hòa như ký ức tuổi thơ tôi ngày ấy. Gió từ vạt sông thổi lên từng đợt, Anh đưa tay đỡ nội tôi xuống trước, rồi tới phiên mấy cô dì lớn tuổi phía sau, cuối cùng, vươn tay xoa đầu tôi cười như mùa thu tỏa nắng. Tôi ngơ ngẩn nhìn Anh, khóe mắt bỗng cay cay. Nỗi lòng của Anh, ai là người thấu rõ? Nỗi lòng của tôi, biết tỏ rõ cùng ai?
Hôm nay, Anh làm phù rể…
***
- Mày biết không con, thế gian này có nhiều loại người lắm. Nhưng suy cho cùng, mục đích chính vẫn là sống, làm việc và yêu thương lẫn nhau. Họ có thể gặp khó khăn bất cứ lúc nào, nhưng họ không được phép gục ngã, dẫu là những lúc thất bại nhất. Vì thế, nghe này con trai, tía muốn mày mạnh mẽ lên và nhìn đời bằng đôi mắt mới, đôi mắt của tuổi trẻ đủ trưởng thành để có trách nhiệm với bản thân, đủ chín chắn để làm việc và đủ kiên nhẫn để lắng nghe những người quan trọng trong cuộc đời mình. Thế mới là đàn ông, hiểu chưa con? – Tía hắng giọng, phe phẩy cái quạt trong tay, gác một chân lên ghế. Tôi đứng châm trà một bên, liếc mắt nhìn sang gương mặt háo hức của hai vợ chồng son kia. Tay nắm tay khắng khít, hạnh phúc dạt dào.
- Con hiểu mà tía. Vợ chồng con sẽ luôn yêu thương nhau cho đến lúc bạc đầu, như tía với má đó thôi! Hơn nữa, qua tháng này, con xin nghỉ hẵng trên kia, về mình lập nghiệp. Dù sao, tía má ở đây, vợ con cũng ở đây, con chẳng thể xa thêm giây phút nào. – Hai ôm vai chị Lụa, ánh mắt ngời sáng những dự định mai sau.
- Sau này, vợ chồng con với tía má, có rau ăn rau, có sắn ăn sắn, ngọt bùi cay đắng gì cũng trọn hiếu dâu con. Xin tía má đừng lo! – Chị Lụa thẹn thùng nắm lấy tay chồng, rơm rớm nước mắt.
- Được, được! – Tía vỗ đùi đen đét, cười hà hà đầy mãn nguyện.
Trong đêm, tôi nghe mùi hương hoa cải sau vườn thoang thoảng, trộn lẫn với mùi trà hoa cúc vấn vương trên đầu mũi. Phố xá nơi thành thị kia xô bồ mà hối hả, sặc sỡ mà đắm say, thế nhưng chẳng thể trói buộc được hai trái tim yêu của người con mảnh đất này. Từng hàng tre cao vút thấp thoáng hòa lẫn với màn đêm đen, che khuất ánh trăng sáng trong giữa bầu trời miền quê yên ả. Liệu sau bao nhiêu năm nữa, lũy tre này có còn, con sóng nước kia vẫn chảy, ánh trăng này hãy còn vằng vặc giữa đêm khuya? Tương lai, ai mà biết cho được.
- Thùy!
Có tiếng người gọi tên tôi khe khẽ. Tôi quay đầu lại, bắt gặp Anh đứng sau lưng mình từ lúc nào. Con dế dưới chân nhủi mình nhanh chóng, chốc lát đã biến mất vào tổ ấm của mình. Anh vạch đám hoa cải sang hai bên, cẩn thận đi chân trần bước đến chỗ tôi ngồi. Ấm áp.
- Chưa ngủ sao? – Giọng Anh trầm lắng giữa đêm khuya.
- Dạ, chưa ngủ được, ra đây hóng mát. Còn anh, sao giờ này mà chưa chịu đi ngủ? Sáng mai anh không lên phố sao? – Tôi đưa mắt nhìn lên khoảng trời mông lung trước mặt, từng vì sao lấp lánh trong đêm, sáng ngời tựa ánh mắt Anh bây giờ. Mai Anh đi rồi, nỗi buồn vô cớ chợt trào dâng. Hai cũng đã có chốn đi về của mình, ý niệm của Anh về mối tình đầu ấy cũng nên đặt dấu chấm hết. Chẳng còn lý do gì để níu giữ một trái tim tổn thương mang nhiều vết xước, nơi hữu hiệu để xoa dịu, chỉ có thể là thôi gặp, thôi nhớ nhung. Còn tôi, vẫn chỉ bám trụ lại nơi tỉnh lị bé nhỏ này, an phận làm cô y tá trẻ. Hoài bão, mơ mộng của tuổi trẻ, thôi thì cũng đã ngủ yên.
- Tâm trạng vẫn còn nặng nề, nên chưa thể tĩnh tâm mà ngủ an giấc được. – Anh ngắt lấy một nhánh hoa cải, đưa lên mũi hít hà hơi thở của những giọt sương đêm. – Có những người thật ngốc, tốn rất nhiều thời gian vẫn không sao quên được một người. Nhưng nếu đã không quên được, thì cũng nên dũng cảm tỏ bày một lần, để mai sau đừng hối hận rồi tự trách bản thân mình. Em thấy đúng không?
- Đúng vậy! – Tôi cười khổ, hai tay ôm lấy đầu gối mình, co người lại thành một cụm. Nếu có thể quên được dễ dàng như thế, cũng đã chẳng có những câu chuyện tình thấm đẫm đau thương. Trên đời này, mỗi một người đều có một chuyện tình để nhớ, dẫu đẹp nên thơ hay chỉ là hững hờ trong thoáng chốc. Bao năm qua, tôi chờ cũng đã chờ rồi, dẫu chưa một lần đủ can đảm để nói lên nỗi lòng mình cho đối phương hiểu rõ. Bởi lẽ, tôi vẫn còn nhớ như in lời Anh nói, “Yêu là mong cho người mình yêu được hạnh phúc, đó chẳng phải là lòng chiếm hữu tầm thường của bản năng.”
- Thùy, nhìn kìa!
Một ngôi sao băng xoẹt ngang qua bầu trời đêm, chốc lát chỉ còn lại chút vệt sáng le lói cuối chân trời. Tôi gối đầu lên khuỷu tay, mỉm cười lắng nghe từng lời Anh nói. Hướng kia là chòm sao Bắc Đẩu, hướng kia lại là chòm Tiên Hậu, qua bên phải một tí lại là chòm Mục Phu, thấp thoáng xa xa lại là chòm sao Thiên Nga như dải lụa bạc vắt ngang bầu trời… Bàn tay Anh lành lạnh khẽ nắm lấy tay tôi, từng ngón tay ấy mở nhẹ lòng bàn tay rồi đặt vào đấy một cành bông bụp đỏ.
- Em biết không, có một điều bí mật, vẫn luôn muốn nói cùng em!
Tôi ngạc nhiên, ngẩng đầu nhìn Anh. Sương đêm càng lúc càng dày đặc, cái lạnh từng chút từng chút thấm vào da thịt, làm ướt cả mảng đất bên cạnh chỗ tôi đang ngồi. Anh nắm lấy tay tôi, vẻ mặt hiền hòa và nghiêm túc. Trái tim đập từng hồi trong lồng ngực, tôi mơ hồ biết được điều bí mật mà anh muốn nói. Phải chăng, lời cầu nguyện vừa rồi của tôi, ông trời đã động lòng trắc ẩn?
- Thùy, từ nhỏ đến lớn, anh chưa bao giờ xem em là em gái cả!
- Ơ… – Trái tim đột nhiên bị hẫng đi một nhịp. Tôi có chút ngơ ngác nhìn anh.
- Bởi vì, anh yêu em! – Anh nhoẻn miệng cười, tay kia xoa nhẹ mái tóc tôi. – Anh vẫn luôn nghĩ rằng, người em yêu chẳng phải là anh, vì vậy, vẫn luôn giấu kín tình cảm của mình, bao năm qua không dám thổ lộ cho em biết. Mãi cho đến hôm qua, anh tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa Lụa và Hoàng. Hóa ra, chúng ta vẫn cứ mãi chơi trò trốn tìm nhau!
Tôi nắm chặt cành hoa đỏ ấy, lắng nghe người đối diện từng lời, từng lời nói rõ lòng mình. Có chút bất ngờ, xen lẫn niềm hạnh phúc đang trào dâng tự đáy lòng. Đêm khuya ướt đẫm sương rơi, mặt trăng trôi nhẹ rồi ẩn nấp sau đám mây xám trên nền trời quang đãng.
- Vậy mà em đã tưởng… – Thì ra, người con gái trong câu chuyện mỗi đêm dưới tán bằng lăng tím kia, lại chính là tôi.
- Đúng vậy, vậy mà anh đã tưởng… Thùy, ngần ấy năm đã bỏ lỡ, bắt đầu lại được không?
Tôi gật đầu, niềm vui như đang lan tỏa trên từng tế bào. Hóa ra, điều mà tôi bỏ lỡ suốt ngần ấy năm không chỉ là lòng cảm thông vô ích, mà còn là tình yêu lẽ ra phải dũng cảm tỏ bày cùng nhau. Anh ôm tôi vào lòng, lắng nghe tiếng trái tim cuối cùng đã tìm được chung nhịp đập. Tôi nhắm mắt, hồi tưởng lại quãng đường từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, bất cứ ngã rẽ nào đều có Anh âm thầm đứng đó. Chỉ là, tôi mê muội chẳng hề biết đến mình cũng là người nắm giữ trái tim anh.
- Cảm ơn mày, Long!
Tôi xoay người lại, bắt gặp nụ cười tươi như hoa của ông Hai già mắc dịch, đang giơ ngón cái tỏ vẻ tán thưởng với Anh. Đám hoa cải lay mình trong gió, khắp nơi bỗng lan tràn mùi vị hạnh phúc. Hóa ra, Hạnh Phúc à, tao đã bỏ lỡ mày lâu đến vậy!
Tháng Mười yêu dấu, có một mùa hoa cải trong tim,
Anh vẫn luôn đi tìm, góc vườn quen thuộc cùng em bao ngày khôn lớn…
Mai Thảo Nguyên
0 comments:
Post a Comment