Cha nam sinh kêu oan giúp con:“Oan ức cho con tôi lắm“

Ngày 31.8, ông Lê Thành Tài ở phường 5, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) gửi đơn đến các cơ quan báo chí để kêu cứu cho con trai Lê Hoàng Sĩ Đan, đang bị tạm giam trong vụ án “cho vay lãi nặng” chấn động Sóc Trăng.
Theo ông Tài, con ông ngoan hiền, đang học trung học y tế buộc phải bỏ học vì bị bắt vào giữa năm 2013.
Làm ơn mắc oán?
“Oan ức cho con tôi lắm, nó không hề đe dọa ai để lấy tài sản và cũng không biết gì về chuyện cho vay nặng lãi. Vợ tôi mất gần 10 năm trước, một mình nuôi hai đứa con và khi hay tin Sĩ Đan bị bắt thì em trai nó nghỉ học, bỏ nhà đi bụi đến nay”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, 5 giờ sáng 21.5.2013, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cùng Công an phường 2, TP Sóc Trăng kiểm tra hành chính nhà số 991/156/2 của bà Hứa Thị Ngọc Mai ở quốc lộ 1A. Tại đây, cảnh sát chỉ phát hiện Bùi Thanh Liêm (20 tuổi) đang ngủ trong nhà bà Mai chứ không làm gì khác.
Tuy nhiên, theo tố cáo của bà Mai và những nghi vấn khác, công an khám xét nhiều cơ ngơi của vợ chồng Mã Hóa Kim. Trong đó có khám xét dịch vụ gửi xe ở phường 8, nơi cư ngụ tại phường 9, khách sạn Vinh Phong ở phường 7 nhưng không thu giữ được gì ngoài những giấy tờ liên quan đến kinh doanh mua bán.
Thế nhưng Mã Hóa Kim sau đó bị bắt cùng với nhiều người làm công của mình vì bị tình nghi “cho vay lãi nặng” và “cưỡng đoạt tài sản”, trong đó có Sĩ Đan. Chồng Kim là Lê Trung Hiếu cũng bị truy nã về 2 tội này.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho rằng vợ chồng Kim cho nhiều người vay với lãi suất 30% 1 tháng. Các đàn em hằng ngày đi thu lãi hoặc chở người vay đến gặp Hiếu, Kim để làm giấy lãi nhập vốn nếu không có điều kiện trả lãi. Khi con nợ mất khả năng chi trả, Hiếu - Kim cho người gây áp lực, đe dọa dùng vũ lực để lấy tài sản. Trong đó có bà Mai, bà Lưu Thị Cẩm Nhung, Diệp Hui và Trầm Thị Ái Phương (cùng ngụ TP.Sóc Trăng).
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kim không nhận tội và cho biết những người được vay chỉ đóng lãi 5% nhưng HĐXX cho rằng lời chối tội này thiếu căn cứ. Từ đó, Kim bị phạt 17 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “cho vay nặng lãi”. Cùng bị phạt 2 tội này, Trịnh Minh Tâm lĩnh 15 năm tù, Sĩ Đan 14 năm, Danh Thị Bé Hoa 13 năm, Nguyễn Hồng Ngân 7 năm 6 tháng, Trịnh Văn Lành 4 năm và Bùi Thanh Liêm 13 năm tù.
Trong nội dung kêu oan gửi đến các cơ quan báo chí, ông Tài cho biết bà Phương không vay ngân hàng được nên đã nhờ Sĩ Đan đứng tên giùm một căn nhà để vay 600 triệu đồng của ngân hàng. Khi vay được tiền, bà Phương mang trả nợ khắp nơi, trong đó có trả ông Lâm Be 140 triệu, chi cho người làm giấy tờ vài chục triệu và cho Sĩ Đan chỉ có 1 triệu đồng để uống cà phê.
Khi ra tòa án cấp sơ thẩm, bà Phương khai không hề bị ép buộc chuyển nhượng tài sản vì việc làm này nhằm mục đích để vay vốn. Trước khi ký chuyển nhượng, bà Phương bắt Sĩ Đan viết cam kết đứng tên dùm, khi nào cần thì Sĩ Đan làm thủ tục chuyển nhượng lại bất cứ lúc nào.
“Con tôi làm ơn mà giờ mắc oán. Mọi thủ tục sang tên bà Phương đều tự nguyện, có công chứng xác nhận trước mặt hai bên thì sao lại gọi là cưỡng đoạt cho được. Rõ nhất là con tôi bị bắt 3 ngày, ở ngoài có người đóng lãi ngân hàng bình thường. Vậy con tôi được thả ra để đi đóng lãi hay sao?” ông Tài cho rằng đây là điều phi lý.
Đối với hợp đồng chuyển nhượng với bà Mai, Sĩ Đan cầm 420 triệu đồng đến văn phòng công chứng ký kết và đưa tiền cho bà Mai nhưng cũng bị nhà chức trách cho là “cưỡng đoạt tài sản”. Theo ông Tài, đất của bà Mai theo giá Nhà nước chỉ 1 triệu đồng/m2 nên tổng giá trị nhà, đất của bà này ở đường lộ nhựa cặp Quân khu 9 ở TP.Sóc Trăng có giá thị trường tối đa là khoảng 400 triệu đồng nhưng cơ quan chức năng lại định giá tài sản trên 1 tỷ đồng để cho rằng Sĩ Đan cưỡng đoạt tài sản (ép mua nhà giá thấp) là không phù hợp.

 Hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Mai và Sĩ Đan là tự nguyện, có công chứng xác nhận là không trái đạo đức.
“Khi bà Mai làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho con tôi có ra công chứng, xác nhận việc làm này là tự nguyện, không trái đạo đức xã hội nên đó chỉ là quan hệ giao dịch dân sự bình thường, không thể gọi là cưỡng đoạt. Một lần nữa con tôi nhận chuyển nhượng cho bà Mai nhưng tiếp tục làm ơn mắc oán”, ông Tài bức xúc.
Không có vật chứng
Tham gia bảo vệ cho Kim và Sĩ Đan, luật sư Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hưng Thịnh Phát ở quận Tân Bình (TP.HCM) vừa gửi bản kiến nghị đến Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Theo kiến nghị này, luật sư cho rằng cấp sơ thẩm ở Sóc Trăng đã vi phạm tố tụng khi cho kiểm sát viên Phan Thanh Tùng tham gia phiên tòa. Cụ thể, Kim đã yêu cầu HĐXX sơ thẩm thay ông Tùng vì gia đình ông này có quan hệ làm ăn với Kim nhưng không được xem xét.
Cụ thể, Kim và chồng đã ký hợp đồng với bà Duyên và bà Hồng Nhung là vợ và con của ông Tùng về việc thuê mặt bằng làm đường vào vũ trường 168 với giá 15 triệu đồng/tháng, thời hạn Kim thuê từ tháng 1.2013 đến hết tháng 12.2015.
Theo điều 14 Bộ Luật tố tụng hình sự về việc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng có quy định: “Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, Viện trưởng, Phó viện trưởng VKS, kiểm sát viên… không được tiến hành tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình”. Như vậy, trong vụ án này ông Tùng tham gia với tư cách kiểm sát viên là không vô tư vì gia đình ông này có quan hệ làm ăn với bị cáo Kim.
Về tội cho vay nặng lãi, luật sư cho rằng chưa đủ chứng cứ kết tội bị cáo Kim vì trong phần nhận xét của bản án sơ thẩm có ghi: “Xét thấy, mặc dù việc cho vay không có biên nhận, không thể hiện vốn vay, lãi suất bao nhiêu nhưng theo lời khai của các bị cáo khác trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của các bị hại…” Như vậy, trong vụ án này HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác và của bị hại, còn chứng cứ là vật chứng thì không có.
Thư hai, tại phiên tòa sơ thẩm các bị hại khai để vay được tiền đã cầm cố chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Các bị hại yêu cầu được nhận lại giấy tờ này nhưng trong hồ sơ vụ án không có thu giữ bất kỳ chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu nào như các bị hại trình bày.
Thứ ba, các bị hại khai khi nhận tiền vay thì không phải nhận từ bị cáo Kim mà nhận từ các bị cáo khác. Các bị cáo khác khai chỉ biết đi thu tiền và có khi tự mình cho vay. Như vậy, cần phải làm rõ tiền gốc cho vay là của ai và không có chứng cứ là vật chứng để chứng minh là tiền gốc của người nào.
Về tội cưỡng đoạt tài sản, người bảo vệ cho Sĩ Đan cho rằng cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ liên quan đến giao dịch giữa bà Mai với 2 người khác là ông Dũng, bà Lang. Theo có trạng, việc vay tiền giữa bị hại Mai với ông Dũng, bà Lang là hợp đồng thế chấp nhưng thực tế là hợp đồng chuyển nhượng được lập tại Phòng công chứng Ba Xuyên ngày 4.9.2012. Hợp đồng này được hủy bỏ ngày 11.3.2013 nên việc thu thập chính xác chứng cứ giao dịch này sẽ giúp làm rõ giao dịch giữa bị hại Mai với bị cáo Sĩ Đan, bởi lẽ bản án nhận định Mai ký hợp đồng chuyển nhượng cho Sĩ Đan là miễn cưỡng.

Một Thế Giới
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment