Ngày 15.9, phụ trang Hoàn cầu Thời báo (của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản TQ) bày tỏ sự lo ngại về việc Scotland độc lập có thể là một tiền lệ cho các nước khác, dù báo này không nêu tên TQ.
Trong bài xã luận bản tiếng Anh, Hoàn cầu thời báo viết: “Một số lớn quốc gia sẽ phải chịu đựng phong trào ly khai, nếu các nước khác noi theo gương Scotland”.
Nhưng TQ sẽ không đi theo con đường này. Bài xã luận viết tiếp: “TQ là một đất nước có lịch sử phức tạp và nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, chắc chắn sẽ không bao giờ chơi trò chơi mà người Anh đang chơi”.
Tân Cương và Tây Tạng ở phía tây TQ là vùng dân cư hẻo lánh nhưng giàu tài nguyên dầu-khí.
Sự độc lập của Scotland sẽ là một yếu tố khó chịu cho các lãnh đạo TQ.
Tại TQ, chủ nghĩa ly khai là một trong 3 thế lực thù địch, cùng với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố đều bị xét chung là tội phản quốc, nên Chủ tịch Tập Cận Bình kiên quyết dập tắt.
Năm 2005, TQ ra luật “chống ly khai”, cho phép sử dụng vũ lực với Đài Loan nếu cần thiết. Luật này được xem là “còi cảnh cáo” lãnh đạo Trần Thủy Biển của Đài Loan, người chọc tức Bắc Kinh với những tuyên bố nghiêng về sự độc lập.
Các cuộc truy bắt “khủng bố” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vài năm qua cho thấy việc các cộng đồng thiểu số hoặc dân thường đòi “ra riêng” sẽ không bao giờ được khoan dung.
Các nhà ngoại giao nói: dù nhiều năm gần đây giữa TQ và Anh có bất đồng về nhân quyền và tương lai Hồng Kông (đặc khu hành chính của TQ, sau khi hết là nhượng địa của Anh hồi năm 1997), TQ vẫn đánh giá Anh là một ủng hộ vie6n mạnh mẽ của thương mại tự do.
Nên một Vương quốc Anh bị thu hẹp về địa lý sẽ là điều không tốt cho TQ dựa cậy nhiều vào xuất khẩu, trong lúc TQ đang tìm sự ủng hộ của quốc tế để chống lại vấn đề bảo hộ thương mại.
Nhà phân tích Willy Lam ở Hồng Kông nói với báo Financial Times: Bắc Kinh lo ngại dân ở các tỉnh hẻo lánh như Tây Tạng, Tân Cương có thể trông vào gương đòi độc lập của Scotland để làm cảm hứng.
Báo giới TQ nói nhiều về các hậu quả kinh tế-tài chính từ cuộc trưng cầu dân ý của Scotland, gồm vài tờ báo đặt dấu hỏi tại một quốc gia thành đạt như Scotland lại liều lĩnh tách khỏi vương quốc Anh.
Tuần trước tờ Tin tức Bắc Kinh viết: nếu Scotland độc lập khỏi Vương quốc Anh, thì Anh sẽ tụt xuống hạng “quốc gia hạng nhì. Đơn giản, nó sẽ chuyển thành một điểm đến du lịch có sức hút, và là một bảo tàng, không còn là một trung tâm văn hóa, tài chính và chính trị của thế giới. Cameron sẽ trở thành một kẻ có tội với lịch sử”, để nói về Thủ tướng Anh David Cameron.
Hồi tháng 6, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường nói nhân chuyến thăm Anh, rằng ông tôn trọng nguyện vọng của dân vương quốc Anh, nhưng ông hy vọng vương quốc này sẽ vẫn “thống nhất, mạnh mẽ và thịnh vượng”.
Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường |
Hồi tháng 7.2013, tờ Financial Times phỏng vấn giáo sư kinh tế học Ilham Tohti, một người ủng hộ cuộc đối thoại hòa bình giữa TQ với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ.
Ông Tohti lúc đó cảnh cáo các cuộc đàn áp ở Tân Cương khiến người Duy Ngô Nhĩ rất “ý thức về bản sắc dân tộc”.
Sau đó, ông Tohti bị buộc tội phản quốc và bị buộc tội “phần tử đòi ly khai”, chắc chắn sẽ sớm phải hầu tòa và sẽ bị tuyên có tội.
Duy Ngô Nhĩ là một cộng đồng theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Một số người đã mở nhiều cuộc tấn công người Hán trong năm nay, gồm vụ đâm dao của 8 người Duy Ngô Nhĩ khiến 29 người chết tại một nhà ga xe lửa, và vụ lái xe đánh bom tự sát ở một ngôi chợ đông tại Urumqi (thủ phủ Tân Cương) khiến 43 người chết.
Để phản ứng, Bắc Kinh đã tuyên bố chiến dịch chống các phần tử Duy Ngô Nhĩ đòi ly khai. Chính quyền một số thành phố ở tân Cương còn cấm người đội vải che mặt sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, và thưởng tiền cho các cặp hôn nhân giữa người Duy Ngô Nhĩ với người Hán.
Công an TQ sẵn sàng tiêu diệt "khủng bố" Duy Ngô Nhĩ. |
Bộ Ngoại giao TQ không bình luận về cuộc trưng cầu ở Scotland, nói đó là vấn đề nội bộ. Một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói tất cả phiếu “nói có” về một Scotland độc lập có nghĩa TQ sẽ có một “đại sứ nữa”. Nhưng theo Reuters, trong quá khứ, TQ không ưa các phong trào đòi độc lập trên toàn thế giới.
Ví dụ: TQ chưa công nhận việc Kosovo đơn phương ly khai khỏi Serbia năm 2008, dù điều đó xảy ra sau một cuộc chiến tranh và có sự phản đối từ Serbia.
Wang Yiwei, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu EU ở đại học Renmin (Bắc Kinh) nói trường hợp Scotland khác hẳn: một nền độc lập sẽ là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý mà chính quyền trung ương ủng hộ. Ông nói: “Nếu Scotland bỏ phiếu cho sự độc lập và Anh chấp nhận thì TQ chẳng có lý do nào để phản đối”.
Wang nói tiếp: TQ không bao giờ đồng ý chuyện tổ chức trưng cầu dân ý ở Tây Tạng hoặc Đài Loan, nên TQ không cần phải lo ngại những vụ tương tự: “Đơn giản là các điều kiện không hiện hữu để chuyện đó xảy ra tại TQ”.
Shi Yinhong, giáo sư khoa quan hệ quốc tế của đại học Renmin, nói cuộc trưng cầu dân ý sẽ không tạo tiền lệ xấu nào, nhưng thừa nhận ông hy vọng người Scotland sẽ “nói không” với chuyện độc lập.
Shi nói: “Cá nhân tôi nghĩ chính phủ của tôi và chính tôi không ủng hộ sự độc lập. Chúng tôi đã quen với Vương quốc Anh. Tôi không nghĩ chính phủ TQ muốn có một sự chỉnh sửa lớn trước một tình hình mới”.
Bích Ngọc (theo Reuters)
0 comments:
Post a Comment