Theo kết quả thống kê mới nhất mà hãng nghiên cứu Juniper Research vừa công bố, hiện nay có tới 80% số smartphone chưa được bảo vệ khỏi sự tấn công của phần mềm độc hại.
Với xu hướng smartphone và tablet được dùng phổ biến trên khắp thế giới, những tên tội phạm số đã không bỏ qua cơ hội để khai thác mảnh đất màu mỡ này. Trong số đó, Android là nền tảng di động được tin tặc đặc biệt ưa thích do hệ điều hành này khá phổ biến và không được quản lý chặt chẽ như ở iOS hay Windows Phone.
Theo Juniper Research, hiện đã có rất nhiều công cụ bảo vệ thiết bị di động do các công ty bảo mật cung cấp, tuy nhiên vẫn có tới 80% số smartphone đã và đang có nguy cơ phải sống chung với malware bởi sự chủ quan của người sử dụng.
Juniper Research cũng cho hay, ý thức của người dùng thiết bị di động đang dần được cải thiện trước sự hoành hành của malware. Do vậy, họ dự đoán đến năm 2018 sẽ có khoảng 1,3 tỷ thiết bị được cài phần mềm bảo vệ, thay vì chỉ có 325 triệu thiết bị như năm nay.
Thời gian qua rộ thông tin về việc ứng dụng độc hại trên smartphone âm thầm gửi tin nhắn có phí khiến người dùng bị trừ tiền oan. Đây là thông tin có thật và đã có rất nhiều người gặp phải tình huống oái oăm này. Tuy nhiên, nếu thận trọng hơn khi cài đặt và sử dụng các ứng dụng di động, bạn sẽ không dễ bị mất tiền như vậy.
Điều cơ bản nhất để tránh xa nạn lừa đảo này, đó là chỉ tải ứng dụng từ nguồn sạch, như Google Play (đối với Android) và App Store (đối với iOS), Windows Phone Store (đối với Windows Phone),… Thực tế cho thấy, đã có trường hợp ứng dụng hiện diện hẳn hoi trên kho ứng dụngGoogle Play, thế nhưng bên trong nó vẫn tiềm tàng mã độc. Vì vậy, người dùng phải đọc kỹ các thông báo, yêu cầu hiện ra trong suốt quá trình sử dụng chứ không đọc qua loa, chọn bừa.
Hình thức lừa đảo này có thể là do nhà phát triển cố ý đưa mã độc vào ứng dụng của mình thông qua các bản cập nhật, cũng có thể do hacker sửa đổi mã nguồn ứng dụng của các nhà phát triển uy tín và phát tán lên mạng. Từ đó, một ứng dụng vô hại và hữu ích, bỗng trở nên độc hại.
Thật không may là phần lớn người dùng lại không nhận thức được điều này và bị đưa vào bẫy. Tuy nhiên, rõ ràng tin tặc phải có sự hợp tác với các nhà cung cấp mạng viễn thông thì mới xây dựng thành công tổng đài tin nhắn và cướp tiền của người dùng. Khi tài khoản bị trừ tiền, số tiền đó sẽ trực tiếp tới tay nhà mạng chứ không phải tin tặc, song tin tặc và nhà mạng có một sự an chia tỉ lệ nhất định, thường là 3/7 hoặc 4/6. Ở đây, dễ thấy nhà mạng cũng có một phần trách nhiệm, nhưng họ lại cố ý làm ngơ, có thể vì doanh thu nhận được.
Do vậy, để có được sự an toàn ở mức cao nhất, người dùng nên chú ý một số vấn đề sau:
1. Chỉ tải ứng dụng phổ biến từ các trang web chính thức hoặc các cửa hàng ứng dụng, đừng bao giờ tải về từ các nhà cung cấp thứ ba hoặc từ các nơi không rõ nguồn gốc. Nếu không biết trang chủ của ứng dụng cần tải, bạn có thể xem thông tin của ứng dụng đó trên kho ứng dụng chính thức của hệ điều hành mình đang dùng.
2. Nếu thực sự muốn tải một ứng dụng từ một địa chỉ không rõ nguồn gốc, hãy tìm hiểu thông tin trên Google để kiểm tra xem có bất kỳ yếu tố gian lận, không trung thực nào liên quan đến ứng dụng và trang web này không.
3. Nếu bạn đã tải về một ứng dụng không rõ nguồn gốc (hoặc một ứng dụng không có chữ ký) hãy cẩn trọng khi sử dụng nó. Không nên lúc nào cũng nhấp vào lựa chọn "Có", “Đồng ý”, “OK” khi xuất hiện cửa sổ pop-up. Thẳng tay xóa ứng dụng đó nếu bạn cảm thấy nghi ngờ.
4. Một khi bạn phát hiện tài khoản của mình bị trừ tiền, hãy chuyển điện thoại sang chế độ máy bay để ngắt sóng và kiểm tra các ứng dụng đã tải về gần đây, xóa chúng nếu bạn thấy cần thiết.
Nguồn: Yan.vn
0 comments:
Post a Comment